“Ông
trời ổng xuống ngay cây dầu bóng này bắt tao nghỉ đi lượm ve chai tao cũng hổng
thèm nghỉ nha!”. Ông già tám hai tuổi tuyên bố dứt khoát với con trai và con
dâu như thế. Bao nhiêu lần rồi họ tìm đủ mọi cách để ông thôi đi lượm ve chai
nữa thế mà ông vẫn cố tình làm theo ý ông. Nhà toàn công chức đủ ăn, đủ mặc chứ
nào có nghèo khổ gì cho cam. Vậy mà ngày nào ông cũng dậy thật sớm, quầy quả đi
lượm ve chai.
Thân gầy còm nhom, đạp chiếc
xe cũ đi khắp cùng ngõ hẻm, chợ búa ông nhặt nhạnh từng bao ni lông, từng lon
hộp phế thải về bán ve chai, kiếm từ đồng bạc lẻ. Hàng xóm kêu rêu, trách móc:
“Con vậy mà không lo, để cha già đi lượm ve chai kiếm sống. Thiệt hết biết!”.
Ngay cả bạn bè ở xa nghe tin họ cũng gọi điện thoại về góp ý. Nhưng họ nào có
biết nỗi khổ của hai người. Con trai và hai con dâu của ông ấy đều là công chức
nhà nước chứ có phải dân thường đâu. Anh con cả là hiệu trưởng một trường trung
học cơ sở nhé. Đường đường như thế mà để bố cứ lang thang, nhặt rác à? Đâu có
được.
Biết là làm công việc đó có
xấu xa gì nhưng họ như thế mà để bố từng ấy tuổi rồi, khổ sở như thế, ai mà coi
cho được. Khuyên lơn mãi bố chẳng nghe, vợ chồng họ xúm vào năn nỉ ông, xin ông
hãy vì thể diện của họ mà không đi nhặt rác nữa. “Bố phải giữ thể diện cho tụi
con chứ! Mà không thì bố cũng phải giữ sức khỏe cho bố chứ. Ngần ấy tuổi rồi
còn lặn lội, mò mẫm rác rưởi làm gì. Nhỡ có chi sao, khổ mẹ, khổ chúng con”.
Anh con trai nhắc đi nhắc lại, ông vẫn một mực: “Tao không làm gì xấu. Kệ tao!
Khỏi phải lo cho tao!”. Nói cách nào, dù năn nỉ đến mấy ông cũng không nghe.
Cuối cùng, cả nhà đều chịu để ông cứ ngày ngày đi nhặt rác, lượm ve chai.
Một hôm, ông đang bươi móc
túm ni lông trước nhà hàng xóm thì con nhỏ nhà đó chạy ra không cho ông bươi nữa. Nó dẩu mỏ kênh kiệu
bảo để đó cho xe đổ rác đến lấy, ông bươi lên làm đống rác bốc mùi hôi thối nó
không chịu được. Nó nói khá xấc xược. Bức bối quá, ông mang luôn bao rác về đổ
trước cửa nhà. Mày không cho ông bươi thì ông mang về đây tha hồ mà nhặt nhạnh
nhá. Chứ bươi ra trước nhà mày, mày bảo hôi, làm thấy ghét! Riết rồi trước cửa
ngôi nhà khang trang dưới gốc dầu bóng lúc nào cũng có một đống rác to tướng,
thậm chí có thể gọi là bãi rác.
“Ô nhiễm quá đi. Nếu bố cứ
tiếp tục làm như thế, công an sẽ tới lập biên bản và phạt tiền đó!”. Cô con dâu
cằn nhằn. Anh con trai bực dọc. Ông vẫn nhất mực: “Tao cóc sợ. Phạt gì chứ!”.
Thế là việc ông ông cứ làm. Cô con dâu nhờ tổ dân phố đến làm việc, lập biên
bản, phạt tiền ông. Rồi sau đó ông vẫn tiếp tục công việc hôi hám, cực nhọc đó.
Nóng ruột cho bố, người con trai nhờ anh bạn là phóng viên báo đến chụp ảnh ông
đang lui cui với đồng rác trước nhà và dọa sẽ đăng báo. Ông cũng chẳng lung
lay.
Nhà cửa, con cái như vậy mà
ông cứ cố làm cho nghèo đi trong ánh mắt mọi người. Những người hàng xóm dè bỉu
ông già lẩm cẩm, sướng không biết đường sướng lại cứ muốn chuốc cái khổ vào
thân. Họ gọi ông là “ông già rác” mới ức chứ. Người ở xa tận đẩu đâu, không
biết ông, mới cho ông quần áo mặc, chứ mấy người hàng xóm mấy ai cho. Thì nhà
giàu thế, con cái phương trưởng thế mắc mớ gì mà cho ông ấy cơ chứ. Có phải các
con ông bỏ ông đâu, ông ấy chỉ tự làm khổ mình. Con cái trong nhà may bộ áo mới
nào cho ông là ông không mặc, rình rình bán đi mất. Ông bán lấy tiền cất biến
không cho một ai thấy. Tức quá! Không may cho ông thử coi ông lấy gì mà bán? Ai
thương cho áo mặc dù rách dù lành gì ông cũng xé toẹt hai ống tay vứt đi. Còn
hai bên hông áo ông xé từ dưới lên tới nách, chạy xe đạp cho gió phất phơ phất
phơ. Chắc là cho người ta thấy mình nghèo người ta thương và bố thí cho? Thật
là kỳ cục. Người làng, người xa nhìn ông cám cảnh, ái ngại.
Khổ nhất là bà vợ ông. Tâm
sự chất chồng, bà không biết làm sao giúp chồng thoát khỏi tình trạng này. Khổ
thân ông ấy quá. Ngày còn trẻ, nhà nghèo, một tay ông gánh vác việc gia đình.
Gánh ve chai của ông nuôi vợ bệnh và lo hai con ăn học thành tài. Nhìn ông, bà
chép miệng với các con: “Chắc bố các con bệnh nghề nghiệp nên thế! Thôi thì cứ
để mặc bố vui với công việc ấy vậy”.
Rất thương ông nhưng hằng
ngày phải chịu cảnh người này nói ra người kia xầm xì riết, bà cũng nản lắm. Cô
con dâu tỏ thái độ ruồng rẫy bố chồng. Thì bà còn nản nữa là con dâu. Ăn mặc
rách rưới, người ông hôi hám, đi đến đâu người ta khinh khỉnh đến đó. Hầu như ông
rất ít tắm táp giặt giũ. Có khi về tới nhà là ông lăn ra góc nhà mà chèo queo
đánh một giấc ngon lành. Lần nọ, mấy đứa bạn của thằng cháu nội đến chơi, thấy
ông ở ngoài đi vào, chúng chạy vội đóng cửa cổng vì tưởng ông điên, làm thằng
cháu cũng xấu hổ.
Hôm nay, cả nhà đang giờ
cơm, trên ti vi có chương trình “ống kính”. Nhân vật chính là ông. Mọi người
ngạc nhiên bỏ đũa. Cảnh quay ông đang cho tiền mấy đứa trẻ lang thang. Thì ra
ông nhặt ve chai, tích cóp tiền để cho trẻ em nghèo. Tự nhiên, không ai bảo ai,
họ đều cảm thấy yêu quý ông hơn. Thì ra, bấy lâu nay mình hiểu sai về chồng
mình, về bố mình mà không biết. Tưởng mình cao sang, hóa ra mình thật bé nhỏ so
với chồng mình, bố mình. Hỏi về mấy chiếc áo ông cố tình xé đi, cố tình làm cho
rách rưới, khổ sở để dễ xin tiền phải không? Ông cười móm mém như sắp nhắm tịt
đôi mắt nhăn nheo: “Mặc cho mát, lượm
ve chai không vướn víu”.
Xem hết chương trình, cả nhà
không ai nói lời nào. Không ai ăn trọn vẹn bữa cơm. Chỉ có ông già “hôi hám”,
“bẩn thỉu” đang bưng bát cơm ngồi góc bếp ăn ngon lành như không có chuyện gì
xảy ra. Trông ông thật vô tư và đáng yêu quá chừng.
Xem hết chương trình, cả nhà không ai nói lời nào. Không ai ăn trọn vẹn bữa cơm. Chỉ có ông già “hôi hám”, “bẩn thỉu” đang bưng bát cơm ngồi góc bếp ăn ngon lành như không có chuyện gì xảy ra. Trông ông thật vô tư và đáng yêu quá chừng.
Trả lờiXóaĐọc truyện của anh thấy gần gũi với cuộc sống và lòng yêu thương con người. Một cử chỉ nhỏ mà tấm lòng rộng lớn, quảng đại yêu thương. Cảm ơn anh thật nhiều. Chúc anh luôn vui vẻ an lành và hạnh phúc anh nhé.
Gửi Hà Công Trường!
Trả lờiXóaChúc em ngày cuối tuần vui vẻ.
"Thì ra, bấy lâu nay mình hiểu sai về chồng mình, về bố mình mà không biết. Tưởng mình cao sang, hóa ra mình thật bé nhỏ so với chồng mình, bố mình".
Trả lờiXóaBài học đạo đức về tình thương yêu đồng loại có hoàn cảnh khó khăn hơn mình cho vợ, cho con và cho mọi người đã phải khắc họa bằng máu thịt, mồ hôi và nước mắt trên tâm hồn và thể xác ông già 82 tuổi. Rất cảm động và cảm ơn tác giả.
Gửi anh Nguyễn Thế Yên!
Trả lờiXóaRất cảm ơn anh đã dành thời gian đọc truyện nhà em. Chúc anh tuần mới, ngày mới có nhiều niềm vui mới!