Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

TIẾNG MẸ ĐẺ



 
Rời thủ đô Seoul, đoàn công tác chúng tôi được ông Kim Jung Taek, giám đốc điều hành hiệp hội trao đổi nghệ thuật quốc tế Hàn Quốc đưa đi thăm khu Cheongsong. Nơi đây có công viên rừng quốc gia Ju wan sang đặc biệt, rất nổi tiếng cách thủ đô Seoul bốn giờ xe chạy. Ở Hàn Quốc ít dùng đơn vị cây số mà đều quy ra giờ chạy xe. Đường của họ tốt lắm, sạch bong. Xe chạy re re, êm ru. Chẳng thấy cảnh sát giao thông, không thấy lái xe dùng còi bao giờ. Cứ đúng luồng làn, tốc độ họ chạy. Toàn trăm cây số một giờ chứ ít gì. Vậy là nơi chúng tôi đến cách thủ đô Seoul khoảng bốn, năm trăm cây số gì đó.
Anh em trong đoàn ai cũng háo hức. Lần đầu tiên đến xứ sở Kim Chi, cái gì cũng lạ, cái gì cũng ngỡ ngàng. Chuyện trò ríu ran. Say sưa ngắm cảnh. Tiếc là hôm nay không có phiên dịch đi cùng. Chẳng hiểu đến nơi thì giao tiếp kiểu gì? Ông Kim Jung Taek vẫn vô tư cười nói tiếng Hàn. Chúng tôi cũng vô tư gật gật lắc lắc. Hai phía ra hiệu chân tay loạn xì ngầu. Cuối cùng thì...OK và...cười. Thật vui. 

Quá trưa thì chúng tôi đến Cheongsong. Thời tiết mát dịu như mùa thu. Bốn bề rừng núi bao quanh xanh ngắt. Không khí yên bình, không ồn ã như Seoul. Lãnh đạo khu xếp thành hai hàng trước cổng trụ sở đón đoàn. Lối vào trải thảm rất lịch sự. Ông Kim Jung Taek đi đầu. Tôi tiếp sau. Rồi đến anh em trong đoàn. Vỗ tay chào đón. Tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Anh ríu ran. Chẳng ai hiểu gì cả. Chỉ có ánh mắt, nụ cười và những cái bắt tay nói lên sự thân thiện của cả hai phía.
Đúng lúc đó, có một cô gái rất đẹp bước ra từ một chiếc xe con. Cô tự lái xe đến, gật đầu, nở nụ cười chào chúng tôi.
- Xin chào các bác, các chú. Cháu được các bác ở đây mời phiên dịch cho đoàn. Tên cháu là Nương, người Trà Vinh, lấy chồng Hàn Quốc và ở đây đã chín năm rồi. Rất vui được phục vụ các bác.
Tôi và anh em trong đoàn mừng rỡ. Phía các vị Hàn Quốc cũng vậy. Thế là yên tâm rồi. Không còn cảnh “ông nói gà, bà nói vịt nữa”. Tôi bắt tay Nương và giới thiệu tên tuổi vị trí của mình. Lần lượt anh em trong đoàn đều bắt tay em rất chặt.
Nương xinh xắn, nhanh nhẹn, xởi lởi, tự tin không như hai cô phiên dịch trước. Hai cô gái trước có phần e dè, chưa “sõi” tiếng Hàn. Nhiều từ chuyên môn các cô chịu không dịch được. Thì họ mới sang có bảy, tám tháng sao mà thông thạo được cơ chứ. Nương thì khác, dịch liến thoắng. Mấy ngày sau đoàn chúng tôi ai cũng thấy vậy. Cả khẩu ngữ, thành ngữ địa phương, cả những từ chuyên môn em cũng dịch tuốt. Chín năm Nương sống ở Hàn rồi cơ mà. Thực lòng, tôi chẳng biết Nương dịch có đúng không nhưng thấy phía Hàn Quốc gật gật, cười cười, thế là ổn rồi.
Không khí từ lúc có Nương vui hẳn lên. Mọi người trong đoàn bám lấy Nương hỏi em đủ thứ chuyện. Là trưởng đoàn, tôi được ưu tiên gần Nương hơn. Nương là cầu nối giữa tôi, đoàn Việt Nam và ông Kim Jung Taek cùng các vị quan chức phía Hàn Quốc. Mấy chàng họa sĩ trong đoàn cứ mắt tròn, mắt dẹt nhìn trộm Nương, bu bám tán tỉnh em. Đẹp. Đẹp thật. Còn hơn cả gái Hàn Quốc ấy chứ. May mà tôi có tí chức trưởng đoàn nên mới có dịp gần Nương không thì còn lâu nhé, chưa đến lượt đâu nha. Tôi coi Nương như em gái, giữ đúng mực ở vị trí lãnh đạo đoàn.
Mấy ngày ở Cheongsong, chúng tôi được phía bạn đưa đi thăm công viên rừng quốc gia Ju wan sang, thăm trang trại trồng táo, trồng cà chua của dân, thăm xưởng vẽ, nhà trưng bày của các họa sĩ, thăm một số công trình phúc lợi của khu... Nương ríu rít cùng chúng tôi. Khi nói tiếng Việt, giọng con gái miền Nam của em ngọt và chuẩn. Lúc nói tiếng Hàn, em líu lo “a-mi-tà” y như người Hàn Quốc vậy. Nếu không được giới thiệu trước, ai bảo em là người Việt Nam? Em hé lộ cho tôi hay, hiện giờ em là chủ một trang trại trồng táo rộng mấy hec-ta, mỗi năm thu hoạch hàng tỉ đồng. Từ người làm vườn em vươn lên làm bà chủ. Vừa quản lý trang trại, em còn kiêm cả chân giáo viên dạy chữ. Dạy tiếng Việt cho phía Hàn Quốc, dạy tiếng Hàn Quốc cho các cô gái mới lấy chồng sang đây. Thi thoảng, em còn đi phiên dịch cho lãnh đạo địa phương mỗi khi có đoàn Việt Nam đến thăm như hôm nay chẳng hạn. Tôi tròn mắt ngắm em. Niềm cảm phục dâng lên trong lòng.
- Em lấy chồng và sang đây trong hoàn cảnh nào?
Lựa lúc vãn việc, tôi mạnh dạn hỏi Nương. Em nhìn tôi long lanh:
- Chuyện dài lắm anh ơi. Lúc nào em kể anh nghe nhé.
Tôi đồng ý. Chuyện riêng tư đâu phải kể chỗ đông người. Với lại liệu mình đã đủ độ tin cậy để Nương tâm sự giãi bày chưa? Bao nhiêu cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc là bấy nhiêu cảnh ngộ, muôn nẻo đường đời. May có, rủi có. Với Nương, tôi thấy em như vậy là ổn rồi. Người phúc hậu, đẫy đà như thế, xinh xẻo, thông minh, tháo vát như thế, sao mà khổ được?
Rồi dịp để tôi và Nương tâm sự cũng đến. Chiều ấy, cơm tối xong, cả đoàn đi dạo để mai về Seoul, trơ lại mình tôi ở phòng. Nương đến. Em đi bộ chứ không lái xe như mọi ngày. Biết mọi người đã đi hết, Nương rủ tôi ra ngoài ngắm trăng. Tôi đồng ý liền. Gì bằng được ngắm trăng Hàn Quốc, lại được sánh vai với người đẹp nữa. Hai chúng tôi ào ra sân rồi cùng dạo bước trên con đường bát ngát ánh trăng. Vì là làng quê nên đêm Cheongsong yên tĩnh lắm. Ra khỏi khu trung tâm, hết làng, tới sát bìa rừng thì không còn ánh điện nữa. Chỉ còn trăng và trăng. Trời se se lạnh. Gió núi hun hút thổi. Nếu ở Việt Nam thì đang chính hạ, thế mà bên này lúc chiều thì như mùa thu, còn bây giờ lại có vẻ sang đông rồi. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện dưới ánh trăng lung linh huyền ảo.
Chọn một phiến đá ven rừng, Nương kéo tay tôi ngồi xuống. Em chỉ cho tôi đỉnh núi Ju wan sang hôm trước đoàn đã thăm. Dãy núi ấy giờ in thẫm giữa trời đêm. Đêm trăng nó hiện lên trông càng rõ. Bầu trời thưa thớt sao. Trăng rằm đã lấn át tất cả. Có một vì sao thấp thoáng phía trời nam xa xa. Em chỉ vào vì sao đó và nói:
- Anh biết không, tối nào em cũng ra đầu nhà mình, nhìn ngôi sao đó và nhớ về quê hương đất nước mình đấy. Ngôi sao như ánh mắt người thương quê nhà vẫy gọi em. Nhớ lắm anh ơi! Nhiều đêm không cầm lòng được, em đã khóc. Khóc một mình. Khóc cho thân phận bèo dạt mây trôi của mình anh ạ.
Tôi lặng đi. Không ngờ em cũng đa cảm đến thế. Bề ngoài tưởng em sôi nổi, vui vẻ, thế mà bên trong cũng chất chứa bao nỗi niềm. Có một chút gì đó vừa lãng mạn, vừa thân thương. Nhìn theo tay em chỉ, tôi lặng yên, không nói được lời nào.
- Nhà em có tất cả sáu anh chị em - Nương thủ thỉ - Chỉ có em là con thực sự của ba má. Mấy người kia là con riêng của ba và má em góp lại. Anh biết không, hồi xưa, gia đình em nhiều ruộng đất lắm anh ạ. Em nghe mọi người kể thế. Nhưng đến khi em sinh ra thì đứa cháu riêng của ba em quậy phá. Nó đòi bán ruộng đất để chia thừa kế. Rốt cuộc ruộng đất bán hết. Ba má phải xoay sở mọi bề để nuôi anh em chúng em. Đã thế, má em lại bị tai nạn giao thông. Bao tiền của đổ vào để cứu chữa. Đến năm em 12 tuổi, học lớp 6 thì kinh tế gia đình quá khó khăn. Em phải nghỉ học, đi làm thuê để kiếm tiền phụ thêm cho gia đình. Làm thuê được ba năm thì bà chị ruột em bả mở quán cà phê ở cạnh sân bay Tân Sơn Nhất kêu em lên đó hai chị em cùng bán hàng.
          - Cà phê đèn mờ hả em? Có sao không?
          Tôi buột miệng hỏi rồi sực tỉnh và cảm thấy hơi ác ác với cái câu hỏi ngớ ngẩn đó. Nương xua tay:
          - Không! Không phải. Cà phê bình thường thôi anh. Bán cho mấy người làm trong sân bay mà.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. May quá. Cứ ngỡ em lại rơi vào ổ tệ nạn thì tội quá. Nương kể tiếp:
- Được mấy năm sau, chị em lại chuyển nghề mở tiệm cắt tóc rồi kêu em về làm cùng. Làm được một năm thì em bị đau ruột già phải về quê để chữa bệnh. Hai tháng sau khỏi bệnh em trở lại tiếp tục công việc. Ba năm sau, chị em lại sang nhượng tiệm cắt tóc này cho người khác. Lúc này các chị em đều đã có chồng. Em buồn chán chẳng biết làm gì đành bỏ Sài Gòn về quê.
- Thế còn chuyện em lấy chồng Hàn Quốc?
- Chuyện cũng hơi dài nhưng đại thể tóm tắt là thế này. Qua môi giới anh ạ. Lúc đó phong trào lấy chồng Hàn Quốc ở quê em rộ lên ghê lắm. Ba má em manh mối hỏi han rồi nhận lời gả bán em cho một người Hàn Quốc đang làm ở một liên doanh trong tỉnh. Sau khi thống nhất mai mối, má gọi em về nói ý định này. Em giãy nảy lên, nhất quyết không nghe. Rồi má gần như van xin em, bảo em hãy cứu ba má, cứu lấy gia đình này. Nợ nần chồng chất, khó khăn ngổn ngang, không có con đường nào thoát được đâu con ơi. Rồi má và bà mối, hai người cùng vẽ cho em cái viễn cảnh lấy chồng xứ Hàn ra sao, cuộc sống đủ đầy thế nào. Ối người mơ mà không được đấy con ạ. Cuối cùng em gật đầu. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, thương má thương ba mà liều thôi anh ạ.
Nương ngước mắt nhìn tôi rồi thở dài đánh thượt. Một cơn gió núi thổi ào qua làm cả tôi và em khẽ rùng mình. Tôi choàng tay qua vai em. Em tin tưởng dựa hẳn vào tôi. Tôi nắm tay em khích lệ:
- Em thật liều lĩnh. Rồi sau đó ra sao?
Nương thầm thì kể tiếp:
- Khi em đi lấy chồng, họ hàng, anh em trong nhà không ai hay biết gì cả, ngoài em và ba má. Đến ngày tổ chức đám cưới mọi người trong nhà mới hay. Thế nên đám cưới chẳng có mấy người. Lúc đó, em buồn phát khóc lên được. Nghĩ mình sắp phải rời xa quê hương xứ sở để đến nước khách quê người sống một thân một mình mà sợ. Hai mốt tuổi lấy chồng mà không biết nhà chồng, quê chồng, thậm chí đến mặt chồng cũng mới chỉ ngó qua, hơn nữa lại ở xa tít mù tắp như thế bảo sao mà không lo, không sợ cơ chứ. Thế nhưng nghĩ tới lời van vỉ của má, của ba, em lại tặc lưỡi. Một liều ba bảy cũng liều. Thôi thì hy sinh đời mình để cứu lấy ba má, cứu lấy gia đình cho qua cái cơn bĩ cực rồi sau đó ra sao thì ra.
Tôi chép miệng thở dài:
- Em đúng là thân phận nàng Kiều. Hy sinh thân mình để chuộc cha cứu mẹ. Rõ khổ!
Nương kể tiếp:
- Khi em đến Hàn Quốc thì cuộc sống bị đảo lộn toàn bộ. Không biết tiếng Hàn. Phong tục tập quán của họ không hay. Đất lạ, xứ người đêm nằm em chỉ khóc. Anh biết đấy, ở cảnh ấy đến đá cũng đổ mồ hôi nữa là. Cũng may, nhà người ta quý người. Bất đồng ngôn ngữ nhưng qua nét mặt, với các cử chỉ làm hiệu thì ai cũng hiểu được. Dần dần em cũng quen. Học ăn, học nói, học đủ thứ để tồn tại, để thích nghi. Được cái bên này làm ăn cũng dễ dàng. Em lại có sẵn cả gần chục năm quăng quật bươn chải rồi nên cũng sớm hòa nhập được. Kinh tế nhà chồng em lại cũng thuộc diện khá giả. Chưa đầy năm, má em nhắn tin sang bảo em gửi tiền về trả nợ. Em giấu chồng gửi về. Rồi đôi ba tháng má em lại nhắn tin như thế với đủ các lý do. Khi thì nhà cháy. Lúc thì ba mổ chân. Lúc khác thì anh em bị tai nạn...
- Thật tội cho em quá. Làm như em là cái máy kiếm tiền không bằng - Tôi xen ngang - Nhưng chắc các cụ bí quá nên mới phải thế.
- Không phải đâu anh ơi. Anh cứ nghe em kể rồi khắc biết - Nương tiếp tục thủ thỉ - Những lần đầu giấu chồng em còn gửi nhiều được. Về sau, chồng em biết, anh ấy mắng em, rồi đánh em nữa. Cực chẳng đã, em chỉ muốn chết. Mấy lần em định tự vẫn nhưng lúc này em đã có con. Nhìn hai đứa con kháu khỉnh, đứa gái đứa trai bụ bẫm, em không đành. Lại phải cam phận nhẫn nhịn cày cuốc kiếm tiền. Rồi một hôm, gặp người cùng quê sang đây, hỏi chuyện gia đình em mới biết là bấy lâu nay má em toàn nói dối để gửi tiền về cho bả. Không cháy nhà. Không tai nạn. Không ốm đau. Bả bị vỡ hụi. Em điếng người. Từ thương yêu lo lắng, em chuyển sang hận bả. Nghĩ đến cái đoạn bả gả bán em, em phải thân cò lặn lội nơi đất khách quê người em càng hận. Một thời gian dài em không điện hỏi han gì cả. Bả điện sang hay ai điện sang em cũng không nghe. Em mất liên lạc với quê hương từ đó. Thế nên, khi nghe tin có đoàn Việt Nam đến công tác, chính quyền ở đây nhờ em phiên dịch, em mừng lắm. Bao nhiêu năm rồi thèm nghe, thèm nói tiếng mẹ đẻ quá anh ạ. Anh có biết cái cảm giác ấy không?
- Có. Có chứ. Chỉ có mấy ngày sang đây, bất đồng ngôn ngữ mà anh thấy khó chịu lắm rồi. Ấy là đoàn công tác còn có tám người, huống hồ em chỉ có một mình trong bao nhiêu năm.
Tôi bóp chặt bàn tay bé nhỏ của Nương, khẽ nói. Em thần người lặng im rồi thở dài. Mãi sau em ngước nhìn tôi và nói:
- Chuyện của em nó vậy. Anh đừng cười anh nhé.
- Không. Anh hiểu mà. Nhìn bề ngoài, anh em trong đoàn đều nghĩ em sướng. Xinh gái, thông minh, tháo vát, tay lái lụa ai bảo em có hoàn cảnh éo le, bươn chải như thế. Nghe chuyện em, anh mới biết và thương em hơn. Cũng may, em tự khẳng định được mình, quyết vượt qua tất cả và cuộc đời vẫn mỉm cười với em. Dù sao, em vẫn còn may mắn hơn ối cô gái khác lấy chồng sang đây. Theo dõi đài báo, anh thấy nhiều chuyện rùng rợn lắm.
Tôi động viên Nương. Em bóp chặt tay tôi, quay hẳn mặt vào tôi, mắt nhìn thẳng vào đôi mắt của tôi:
- Cảm ơn anh hiểu em. Do lâu ngày không gặp người mình, nói tiếng mình nên chiều hôm đầu tiên phiên dịch cho đoàn em đã cuống lên, dịch sai đấy. Phần vì không khí long trọng quá, phần nữa là tại em quá xúc động nên líu cả lưỡi anh ạ.
- Chú kia là vợ của cụ này.
Tôi nhắc lại câu phiên dịch của em hôm ấy. Em buông tay tôi, đấm tôi thùm thụp. Cả tôi và em cùng cười.
Chả là chiều hôm đoàn chúng tôi đến Cheongsong, lúc giới thiệu xong thành phần hai phía, thì bất ngờ có một phụ nữ trạc hơn 50 tuổi từ phía ngoài bước tới. Ông trưởng đoàn sở tại giới thiệu bà ta với chúng tôi. Nương phiên dịch: “Chú kia là vợ của cụ này!”. Nghe vậy, cả đoàn Việt Nam cười ngất. Phía bạn thấy Việt Nam cười cũng cười theo. Nương đỏ mặt. Tôi gật đầu, nháy mắt ra hiệu cho em: kệ họ, cứ OK đi. Và thế là cả hội trường cùng cười vang trong tình thân mật buổi ban đầu.
- Tại bà ấy trẻ quá so với cụ họa sĩ. Với lại không khí trang nghiêm, long trọng quá làm em cuống.
Nương thanh minh. Tôi an ủi:
- Thì đã sao. Chỉ có người Việt mình mới biết “chú kia là vợ của cụ này thôi mà”. Thế mới nhớ, cô bé ạ.
Chúng tôi lại cùng cười, cùng xua đi cái không khí trầm buồn trong câu chuyện em vừa kể.  
Sau đó, Nương cho biết em mới về quê dịp Tết vừa rồi. Cả chồng con em cùng về. Thấy đất nước, quê hương đổi mới, em rất mừng. Tôi hỏi thăm ba má em. Nương bảo ba má Nương già yếu rồi. Ba em năm nay tám mốt tuổi. Má em bảy mươi. Hôm em về tới ngôi nhà xưa của mình, bả ôm em khóc ròng. Một điều má xin, hai điều má xin. Chỉ vì máu mê cờ bạc mà má làm con phải khổ. Hai má con ôm nhau cùng khóc, mừng mừng tủi tủi.
- Thế chồng con em có nói được tiếng Việt không?
- Không. Chồng em bảo tiếng Việt khó học lắm. Còn hai đứa con em thì em đâu có dạy. Để chúng lớn thêm chút nữa em sẽ dạy sau.
Càng về khuya, trời càng lạnh. Thi thoảng có những giọt mưa nho nhỏ bay bay. Vừa trăng, vừa mưa, thật lạ. Nương nép vào người tôi tin cậy. Em thì thầm bên tai tôi:
- Anh biết không, hôm nay là sinh nhật em đấy?
Tôi sững người quay lại nhìn thẳng vào mặt em. Gương mặt em ngời lên dưới ánh trăng. Đôi mắt Nương mở to long lanh.
- Sinh nhật em?
Nương gật đầu.
- 12 tháng 6. Sinh nhật lần thứ 30 của em đấy. Rất vui vì sinh nhật này có anh là người Việt Nam để em được tâm sự giãi bày. Lâu lắm em mới có được sinh nhật ý nghĩa thế này đấy.
- Giời ạ! Sinh nhật em mà không nói gì cả. Cả ngày theo đoàn, giờ lại dành cho anh thế này thì... Anh thật vô tâm. Biết quà gì cho em được hả giời? Ghét em quá cơ.
Tôi băn khoăn cảm thấy như mình có lỗi với Nương. Nương cười xòa:
- Quà là anh, là cả đoàn Việt Nam đấy còn gì. Mấy ngày nay em được thoải mái nói tiếng mẹ đẻ, được tâm sự giãi bày chuyện đời em cho anh. Thế là em hạnh phúc lắm rồi. Mai anh về Seoul, mấy hôm nữa về nước đừng quên em là được. Trái đất tròn, có điều kiện, mình lại gặp nhau anh nhé.
- Tất nhiên rồi. Quên em thế nào được. Về nước, nhớ điện thoại cho anh, anh sẽ đến gặp em. Thật đấy. Mà bố trí về đất Tổ một chuyến đi. Quê cha đất Tổ, em hiểu chứ?
Nương gật đầu nhìn sâu vào mắt tôi. Tôi cũng vậy, lặng ngắm em dưới trăng. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Nương khe khẽ hát. Giọng hát em nghèn nghẹn như muốn khóc. Cảm giác chia ly khiến cả tôi và em cùng nghẹn ngào. Mới đó mà mai đã phải xa nhau rồi. Phương trời ngàn trùng cách biệt. Em lại vò võ một mình xứ người. Biết bao giờ lại được nói tiếng Việt như mấy hôm nay.
Đêm Cheongsong chênh chao trăng luênh loang. Tôi dìu Nương đứng dậy để về chỗ nghỉ. Em cũng phải về với chồng con. Phải về thôi, xa nhau thôi Nương ơi! Tới chỗ rẽ, hai chúng tôi bịn rịn chia tay nhau. Tôi đứng lặng dưới trăng nhìn mãi bóng em hút dần về cuối phố. Cảm giác như vừa mất mát một cái gì khó gọi thành tên cứ dâng lên trong tôi. Đêm nay, làm sao tôi ngủ được? Cầu chúc cho em hạnh phúc và đoạn đời còn lại cứ rộng mở thênh thênh trước mặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét