Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

MẸ, VỢ VÀ...EM, VÀ...EVA

                                                                    alt
  

                                             MẸ

                           Con làm bao nhiêu bài thơ
                      Một câu về Mẹ vẫn ngơ ngác vần


                                        VỢ

                    Tôi đã làm thơ về mọi thứ trên đời
                    Vẫn không viết nổi lấy một câu về vợ
                    Cứ cầm bút lên là thấy mình xấu hổ
                    Vợ đẹp vô cùng thơ bất lực thơ ơi!


                                          EM

                    Viết tặng em bao nhiêu nhạc và thơ
                    Vẫn như muối bỏ biển thôi, em ạ!
                    Bởi tình ta mênh mông như biển cả
                    Sóng vỗ ầm ào và anh mãi ngu ngơ...


                         KÍNH CHÀO E-VA!

                    Ngày "Phụ nữ" đã tới rồi
                    Tôi lo cuống quýt đứng ngồi không yên
                    Trông ra xóm dưới làng trên
                    Người ta tíu tít tung tiền mua hoa
                    Bao nhiêu quần áo lụa là
                    Vàng đô vét sạch làm quà chị em

                    Còn tôi vẫn cứ hom hem
                    Túi không, ví rỗng đứng xem mà buồn
                    Không kịp trốn, chẳng kịp chuồn
                    Mai - ngày phái đẹp, vẫn còn ngồi đây
                    Trơ trơ một tấm thân gầy
                    Tiền không một cắc biết xoay thế nào?
                    Thôi thì làm khúc ca dao
                    Tặng em, tặng chị, kính chào E-va!

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

TỪ GHÉP LÁY TRONG TẬP THƠ “KHÚC ĐỒNG DAO” CỦA XUÂN THU (Luận văn tốt nghiệp Đại học của Hứa Thị Lưu - phần tiếp theo)

alt  CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ CỦA TỪ GHÉP LÁY TRONG TẬP THƠ “ KHÚC ĐỒNG DAO” 
         3.1. Giá trị tạo nhịp điệu và âm thanh: 
        Nhịp điệu là thứ ngôn ngữ đặc biệt của thơ ca, một tác phẩm thơ không thể không kể đến yếu tố nhịp điệu nhưng để có một tác phẩm văn xuôi giàu tính nhạc tức là có nhịp điệu là một sáng tạo hết sức độc đáo và đặc sắc.
        Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán: trong văn chương, nhịp điệu là sự lặp lại, cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, mô típ nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuât.
        Còn theo “Từ điển tiếng Việt”, Nhịp điệu là “sự lặp đi, lặp lại một cách tuần hoàn các âm mạnh và nhẹ theo những trình tự, cách thức nhất định”.
         Việc sử dụng rất nhiều từ ghép láy ở trong tập thơ đã tạo sự linh hoạt, luôn luôn thay đổi sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh, đã tạo nên nhịp điệu, tiết tấu hài hòa tạo nên “Khúc đồng dao” luônlấp lánh, rung rinh sắc màu”. Có câu thơ âm điệu nhẹ nhàng: Đắng cay yêu vẫn ngọt ngào. Dù có đắng cay như thế nào thì tình yêu của tác gải vẫn cứ ngọt ngào, tha thiết, với âm điệu rất nhẹ nhàng, xao xuyến để rồi : Liêu xiêu chân bước mơ màng (Chàng say và chiếu chèo hội xuân).
       Rồi có những câu thơ mà âm thanh cứ rộn ràng, vui tươi; Quán khuya cười nói oang oang (Quán ôc) để rồi một mình lặng thinh : Tí tách ngâu rơi (Trống vắng).

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

TỪ GHÉP LÁY TRONG TẬP THƠ "KHÚC ĐỒNG DAO" CỦA XUÂN THU (Luận văn tốt nghiệp Đại học của Hứa Thị Lưu)

        altTập thơ Khúc đồng dao của tôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2008, được giải B (không có giải A) của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2009, giải Hùng Vương (giải cao nhất của UBND tỉnh Phú Thọ tặng cho tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc nhất) năm 2010, đã được nhiều bài viết giới thiệu trên các báo chí trung ương và địa phương. Vừa qua, tôi lại nhận được bản luận văn tốt nghiệp Đại học của sinh viên Hứa thị Lưu (cử nhân Văn K7C, trường Đại học khoa học Thái Nguyên) về đề tài "TỪ GHÉP LÁY TRONG TẬP THƠ "KHÚC ĐỒNG DAO" CỦA XUÂN THU", tôi rất xúc động. Lần đầu tiên có sinh viên nghiên cứu về thơ của tôi.
         Nhớ lại giờ này năm ngoái, trên trang blog của tôi, thi thoảng có comment của Hứa Thị Lưu muốn xin tập thơ Khúc đồng dao để đọc vì "thấy hay quá". Đặc biệt sau một loạt bài viết về tập thơ này, nhất là bài của Trần Nhã My (Rừng từ lấy trong Khúc đồng dao - những cánh thơ bay nhấp nháy) thì cô Hứa Thị Lưu này chính thức điện thoại làm quen với tôi và xin tôi tập thơ. Rất tiếc là tôi chỉ còn mấy quyển "giữ nhà" nên đành gửi mail bản thảo cho Lưu, đồng thời giới thiệu cho Lưu địa chỉ của Trần Nhã My về bài viết trên. Thế rồi, Trần Nhã My cũng đã gửi quyển sách tôi tặng cho Hứa Thị Lưu mượn. Lưu mượn tập thơ đó nghiên cứu xong đã trả lại Trần Nhã My. Một người tận Tây Ninh, một người ở Cao Bằng học đại học ở Thái Nguyên, đúng là hai đầu đất nước. Rồi...im hơi lặng tiếng. Ngỡ tưởng tập thơ chẳng mang lại cho em tác dụng gì, tôi cũng quên luôn. Chẳng ngờ, hôm thứ bảy vừa qua, em mail cho tôi luận văn này và khoe được 9 điểm, loại xuất sắc. Tôi xúc động, phấn khởi quá chừng. Thì ra tập thơ của mình đã có tác dụng với em. Tôi xin phép em trích đưa bản luận văn này lên trang blog của mình làm kỷ niệm, em đã đồng ý.
          Sau đây, xin trân trọng trích giới thiệu luận văn này (Phần lý luận chung xin phép không giới thiệu ở đây)