Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

LÀM SAO BÂY GIỜ?

Anh để ý em từ lâu lắm rồi
Chỉ có điều chưa dám nói mà thôi
Tháng ngày ngơ ngẩn, đêm thao thức
Hồn vía lang thang theo mây trôi

Tự hỏi bao lần như thế phải lòng không?
Không gặp người ta, cứ nhớ nhớ mong mong
Này mắt, này môi, này dáng hình, mái tóc...
Có hẹn gì đâu sao cứ trông?

Tự hỏi bao lần như thế phải là yêu?
Mà cứ lâng lâng sớm lẫn chiều
Nhiều khi cười hát vô duyên cớ
Gọi thầm tên em trong phiêu diêu

Làm sao bây giờ được em ơi?
Làm sao cho anh khỏi chơi vơi?
Làm sao...Anh bắt đền em đấy
Hãy nói đi em, dẫu một lời...
                    Chiều 13-01-2016

MỪNG THỌ BỐ VỢ TUỔI 90

Con chẳng là con đẻ của cha
Chỉ là rể thôi nhưng cha luôn coi là rể quý
Không phải khách như người ta thường nghĩ
Mà là trai - con của bố lâu rồi

Gả con gái cho con về chốn xa xôi
Hẳn bố tin và thương con nhiều lắm
Công dưỡng dục, sinh thành con khắc vào tâm khảm
Suốt cuộc đời bố tất bật, yêu thương

Các chị con mỗi người một phương
Vợ và em con theo nhau vào bộ đội
Em lấy chồng, em Tây Nguyên vẫy gọi
Còn một em câu hát tắt nửa chừng

Nhà đông con bố mẹ cứ nai lưng
Cọ, lúa, sắn, khoai quanh năm cày cuốc
Dưới ruộng, trên đồi, chạy xuôi, chạy ngược
Tần tảo sớm hôm nuôi con lớn thành người

Ở nơi xa chúng con gọi bố ơi!
Thương bố quá tuổi già đêm trở gió
Con về cũng vội vàng sấp ngửa
Thăm hỏi đôi lời tít tít rồi đi

Bố dặn con từng tí chi ly
Cứ như con vẫn còn thơ bé
Lo cho con hơn lo mình, vẫn thế
Bố mãi tuyệt vời, yêu bố lắm, bố ơi!

Mừng xuân nay bố tuổi chín mươi
Làng xã hân hoan, cháu con hội tụ
Phúc lộc đầy đàn, ấm no vừa đủ
Rạng rỡ nụ cười vui quá là vui

Cầu chúc cho bố luôn khỏe yêu đời
Là chỗ dựa cho chúng con, các cháu
                           Là tự hào, là niềm tin yêu dấu

                          Bóng đại thọ trùm cứ mãi mãi xanh tươi…

NGÀY VỀ QUÊ MẸ

Con chỉ muốn nhà mình như mãi ngày xưa
Chị em con quẩn quanh cùng bố mẹ
Học và chơi, những trò chơi con trẻ
Bố mẹ đi làm sớm tối lại bên con

Lấy chồng xa, thương bố mẹ nhiều hơn
Năm chỉ đôi lần đưa cháu về thăm ngoại
Tay xách, nách mang đường thì xa ngái
Tất bật vội vàng đôi ba bữa lại đi

Đùm dúm cho con bao nhiêu thứ quà quê
Gạo nếp, gà, măng, trứng, chuối, vừng, lạc, đỗ…
“Của nhà làm ra không phải mua mà sợ”
Mẹ dặn dò con, hôn hít cháu, bần thần

Quà con mang về mẹ vẫn cất để dành
Cho các cháu, bảo bố “phần chúng nó”
Đã đôi lần bánh mốc xanh mốc đỏ
Nhịn miệng cả đời, thương mẹ lắm mẹ ơi!

Ở nơi xa khi trái nắng trở trời
Đêm bố mẹ ho, con nơi này xót ruột
Xa xôi quá, thôi cũng đành bất lực
Chỉ cầu mong nhà ta mãi yên bình

Ước trở lại ngày xưa, mẹ nhỉ, nhà mình
Quây quần bên nhau chị em con chí chóe
Đứa ôm bố, đứa dỗi hờn nũng mẹ
Cứ nồng nàn ấm áp thế quê hương…


                        Ngày mùng 3-01-2016

QUÁN CÓC CHIỀU CUỐI NĂM

      Chiều nay, gió mùa đông bắc lại tràn về. Bầu trời xám xịt. Mây như sà hẳn xuống. Gió thông thốc thổi từng cơn ào ào. Tôi co ro cúm rúm trong cái áo vét đi liêu xiêu trong chiều gió bấc. Hết giờ làm việc rồi. Không có gì vội vã cả. Tôi sà vào cái quán cóc quen bên đường gọi một chén trà nóng. Đón chén trà ấy từ tay bà cụ già chủ quán, tôi xoay xoay nó trên tay rồi đưa lên miệng nhấp một ngụm. Hương trà tỏa ra thơm ngào ngạt. Vị trà chan chát ngòn ngọt thấm sâu vào đầu lưỡi. Tôi chép chép miệng thưởng thức. “Rượu khà, trà chép”, các cụ chả bảo thế là gì. Nào tôi có định chép miệng đâu mà nó cứ tự nhiên thế đấy chứ. Phản xạ vô điều kiện đó chăng?
          Thế là chỉ có chén trà nóng thôi mà hầu hết các giác quan trong con người tôi đều được thưởng thức. Nước trà xanh như pha mật lợn để mắt nhìn. Mùi trà thơm ngào ngạt quyến rũ để mũi ngửi. Vị trà chát ngọt tê tê nơi đầu lưỡi để miệng uống. Cái nóng của chén trà tỏa vào lớp da tay, xoay xoay vào thành chén mà hít hà cho tai cũng được nghe, được sướng cùng. Chẳng phải nghệ thuật trà đạo, chỉ là chén trà nóng cuối năm quán cóc ven đường mà cũng thú vị, khoan khoái đến lạ lùng.

THÚ CHƠI HOA ĐÀO TẾT

       “Chưa phải Tết mà hoa đào rộ nở/ Ào ào Xuân hớn hở từng giờ”. Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu sao lại đúng vào năm nay đến thế. Sớm nay, trên đường tới cơ quan, bất ngờ nhìn sang bên đường tôi thấy cây đào trong vườn nhà ai đó bung nở những bông hoa đầu tiên. Rồi trên những chiếc ô-tô về xuôi, cùng với lá dong, ống dang là những cành đào chất trên nóc xe, để trong thùng phía sau xe nữa. Nhìn cảnh ấy cái rét cuối năm trong tôi cũng tự nhiên tan biến. Người tôi lâng lâng. Cảm giác hân hoan háo hức lạ thường. Và tự nhiên tôi nghĩ tới Tết, vui như Tết.
          Chẳng biết tự bao giờ hoa đào gắn với ngày Tết. Hoa đào nở ấy là Tết đã đến. Hoa đào nở là tín hiệu mùa Xuân về. Hoa đào là biểu tượng ngày Tết của miền Bắc, mang đến niềm vui tưng bừng, rực rỡ cho muôn người. Màu đỏ vốn dĩ là gam nóng, tính dương rồi cộng với không khí ấm áp mùa xuân nữa khiến cho hoa đào xứng vị chúa tể của các loài hoa ngày Tết. Chẳng biết Tết cỗ bàn ra sao, no đủ đến cỡ nào nếu không có cành đào thì xem ra không khí Tết của nhà ấy chưa được đầy đủ lắm. Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ ư? Vẫn cần lắm một cành đào để cho ra khí Tết. Bởi thế chăng mà nhà nào nhà nấy khi sắm Tết dứt khoát phải sắm cho mình, nghèo thì một cành đào, khá giả thì một cây đào thế. Cành đào cắm trên ban thờ, chậu đào thế để ở phòng khách. Có thế mới ra Tết. Có thế mới ấm áp, mới là mùa Xuân.

NHỚ TIẾNG SÁO QUÊ HƯƠNG?

       Có lẽ trong các loại nhạc cụ mang âm hưởng đồng quê thì cây sáo là nhạc cụ phổ thông nhất bởi nó dễ làm, gọn nhẹ và cũng dễ sử dụng. Đàn bầu, nhị, hồ, đàn tam, đàn tứ… có nhiều bộ phận và phải qua bàn tay chế tạo của các nghệ nhân, các nhạc sĩ có kinh nghiệm thì mới có thể có được một cây đàn chuẩn. Riêng cây sáo thì chỉ cần một đoạn ống trúc, ống nứa khoét lỗ theo những khoảng cách nhất định là xong. Cây sáo dài ngắn khác nhau nhưng dài nhất cũng chỉ trên dưới bốn mươi xăng-ti-mét nên rất gọn, có thể đúc túi, giắt quanh người đi khắp nơi đây đó. Cần lúc nào là rút nó ra đưa lên miệng và thổi. Tiếng sáo véo von réo rắt như tiếng chim kêu, như nước suối chảy. Hay dở do năng khiếu của mỗi người thổi. Thế nên, ngày trước làng tôi hầu như thanh niên nào cũng có cây sáo và cũng đều biết thổi sáo. Những đêm trăng sáng, tiếng sáo gọi bạn vút lên giữa xóm này, xóm nọ nghe vui lắm.