Chiều nay, gió mùa đông bắc lại
tràn về. Bầu trời xám xịt. Mây như sà hẳn xuống. Gió thông thốc thổi từng cơn
ào ào. Tôi co ro cúm rúm trong cái áo vét đi liêu xiêu trong chiều gió bấc. Hết
giờ làm việc rồi. Không có gì vội vã cả. Tôi sà vào cái quán cóc quen bên đường
gọi một chén trà nóng. Đón chén trà ấy từ tay bà cụ già chủ quán, tôi xoay xoay
nó trên tay rồi đưa lên miệng nhấp một ngụm. Hương trà tỏa ra thơm ngào ngạt.
Vị trà chan chát ngòn ngọt thấm sâu vào đầu lưỡi. Tôi chép chép miệng thưởng
thức. “Rượu khà, trà chép”, các cụ chả bảo thế là gì. Nào tôi có định chép
miệng đâu mà nó cứ tự nhiên thế đấy chứ. Phản xạ vô điều kiện đó chăng?
Thế
là chỉ có chén trà nóng thôi mà hầu hết các giác quan trong con người tôi đều
được thưởng thức. Nước trà xanh như pha mật lợn để mắt nhìn. Mùi trà thơm ngào
ngạt quyến rũ để mũi ngửi. Vị trà chát ngọt tê tê nơi đầu lưỡi để miệng uống.
Cái nóng của chén trà tỏa vào lớp da tay, xoay xoay vào thành chén mà hít hà
cho tai cũng được nghe, được sướng cùng. Chẳng phải nghệ thuật trà đạo, chỉ là
chén trà nóng cuối năm quán cóc ven đường mà cũng thú vị, khoan khoái đến lạ
lùng.
Quán
cóc của bà cụ này đơn sơ lắm. Cái chõng tre trên đó bày hoa quả, bánh kẹo và
vài bao thuốc lá... Cái ấm giỏ trong đó là chiếc ấm tích lúc nào trà cũng nóng.
Chiếc điếu cày dựng bên. Ba cái ghế băng kê ba góc, quây quanh lấy cái bàn. Lỏng
chỏng quanh đó là mấy cái ghế chữ K phòng khi quán đông khách. Quán lợp lá, che
phên nứa đủ để tránh được gió lùa. Vì đây là khu đất giải tỏa nên quán cũng chỉ
làm tạm. Cạnh đó, một đống lửa được nhóm lên. Gốc tre cùng với trấu giữ cho bếp
luôn đỏ than và ấm khói. Thi thoảng một đụn khói lại cuộn lên cay toét mắt. Ấy
vậy mà khách cứ xúm xít bâu quanh chật ních. Ai nấy đều hơ tay xuýt xoa cùng
gió rét.
Quán
cóc này là nơi tụ tập của cánh xe ôm, là nơi hẹn hò của khách, là điểm dừng
chân thư giãn ngắm cảnh phố phường của những người như tôi chiều nay. Bởi thế,
đây cũng thu thập khá nhiều chuyện. Từ chuyện thế giới, khu vực đến chuyện làng
nọ, phố kia. Từ chuyện sao, mốt, đến chuyện vụ án, ngoại tình. Từ chuyện công
sở giấy mực đến chuyện ruộng vườn, cày cấy... Chuyện nào cũng hấp dẫn, ly kỳ.
Không ồn ã, ầm ào, xô bồ như quán bia mùa hạ, ở đây, chiều cuối năm này, ở cái
quán cóc tuềnh toàng này chỉ có những câu chuyện của những người lao động. Thế
nên, chuyện vui, chuyện tiếu lâm gây cười là chính. Chuyện làm ăn, kiếm tiền
tiêu Tết, lo Tết là chủ yếu. Chuyện giá cả, việc làm là quan trọng. Bàn chuyện
thế giới cũng chỉ là thông tin cho nhau biết để mà “nâng cao nhận thức” như cánh
văn phòng chúng tôi hay thường gọi.
Chẳng
cần nhiều tiền, chẳng phân biệt sang nghèo đều vào được quán cóc. Thậm chí
không tiền cũng ngồi ở quán cóc được. Hút nhờ một điếu thuốc lào, ngồi nhờ hơi
ấm của bếp lửa trong khi đợi người đã hẹn. Có bữa, cùng với bà cụ chủ quán còn
thêm mấy ông già ngồi chơi cờ tướng giết thời gian nữa. Cánh xe ôm chờ khách
thì đương nhiên rồi. Quán cứ thế mà đông vui. Ở cái chỗ nửa phố nửa quê này
chuyện cứ thế mà rôm rả. Bởi thế, gió mùa đông bắc về, rét là vậy, thế mà tôi
và nhiều người vẫn cứ muốn ngồi ở quán cóc để liêu xiêu ngồi ngắm dòng người xe
giờ cao điểm đang nườm nượp chảy trên phố. Cuối năm nên ai cũng vội. Chúng tôi
cũng vội lắm chứ nhưng hình như ai cũng cố chọn cho mình giây phút thảnh thơi,
sống chậm lại thì phải. Tôi thì đương nhiên rồi.
Tôi
đã từng đi nhiều nơi, đến nhiều điểm sang trọng nhưng chưa bao giờ thoải mái,
tự tin, gần gũi như được ngồi ở những quán cóc, đặc biệt là cái quán cóc bé nhỏ
đơn sơ này của quê tôi. Phải chăng đó là sự bình yên của cuộc sống, là nốt nhạc
ngân dài, là khoảng lặng yêu thương trong bản hòa tấu xô bồ của nhịp đời hối
hả? Chiều cuối năm! Em ơi, về cùng anh quán cóc! Về đi em mà thương nhớ thuở
sinh viên gian khó một thời. Về đi em để tìm lại kỷ niệm hẹn hò xưa ngày ấy.
Quán cóc vẫn còn đây. Mùi ngô nướng, khoai nướng vẫn đang tỏa thơm ngào ngạt
đâu đây. Cả làn khói trong đống lửa hồng kia nữa. Nó cũng vừa bay lên, sực vào
mắt anh cay xè như thổi thêm vào lòng anh những thương cùng nhớ. Rét đấy mà
cũng ấm áp nồng nàn lắm đấy. Quán cóc ơi, chiều cuối năm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét