
Phố huyện
Đoan Hùng quê tôi còn sót lại mấy cây gạo, trong đó có một cây gạo gắn bó với
kỷ niệm bao người. Cây gạo này ở trung tâm phố, ngay cạnh ven đường quốc lộ số
2, bên bờ dòng Lô nước sông trong vắt. Không biết nó có từ bao giờ mà thân cây
to lắm, da vỏ xù xì, cành cây cao vút vươn tới trời xanh. Và một điều đặc biệt
là nó đã trở thành tên gọi của một địa danh phố huyện quê tôi: “gốc gạo Đầu
Lô”. Là người con của Đoan Hùng, dẫu có đi chân trời góc bể, khi nhớ về quê
hương đất bưởi, người dân quê tôi không ai lại không nhớ tới gốc gạo Đầu Lô ấy,
nhất là vào dịp tháng ba mùa hoa gạo nở.
Thời chiến
tranh, bom đạn Mỹ ác liệt là thế, bao cây lá của Đoan Hùng đã bị bom đạn Mỹ dập
vùi, ấy vậy mà gốc gạo Đầu Lô đó vẫn hiên ngang vươn lên sừng sững giữa trời.
Ngay cạnh gốc gạo là Bến xe Khách. Cây gạo hiền lành, duyên dáng ấy vô tình trở
thành điểm hò hẹn của bao lứa đôi, chứng kiến biết bao cuộc chia tay đưa người
thân ra trận. Để rồi mỗi tháng ba về, hoa gạo lại đỏ bừng một khoảng trời
thương nhớ. Người con gái bên sông từ làng Hữu Đô hay Đại Nghĩa, bịn rịn đưa
tiền người yêu sang sông ra trận, dừng chân dưới gốc gạo này trao cho chàng
trai một chiếc khăn tay thay lời nguyện ước. Và những trai làng quê tôi đã mang
cả mùa hoa gạo ấy ra chiến trường, thêm chắc tay súng lập công giết giặc. Trong
ba lô mỗi người đều ẩn giấu mùi hương hoa bưởi và sắc màu đỏ thắm của hoa gạo
Đầu Lô. Người ta đón đưa nhau từ gốc gạo này. ấn tượng của giờ phút chia tay ấy
gắn liền với màu đỏ rực của hoa gạo, với tiếng chim kêu ríu rít trên cành. Mùa
hoa gạo nở có biết bao nhiêu là chim sáo bay về. Sáo đen, sáo sậu, sáo đá, sáo
nâu... rủ nhau về với mùa hoa. Tiếng chim chào nhau, hỏi han nhau cứ ríu ra ríu
rít làm xao động cả một khoảng trời. Chim có biết đâu, dưới gốc gạo đó có hai
người đang bịn rịn đón đưa nhau. Để sau đó, cả người đi lẫn người ở đều nhớ về
nhau qua mùa hoa gạo nở rộn rã tiếng chim
xuân.