Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

HÃY ĐẶT TAY BÊN NGỰC TRÁI



HÃY ĐẶT TAY BÊN NGỰC TRÁI
Cảm nhận khi đọc bài thơ "Buổi chào cờ đặc biệt" của Xuân Thu

    Nguyễn Vĩnh

Mấy tuần nay ngày nào các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin về những diễn biến của sự kiện biển Đông. Như sự kiện vịnh Bắc Bộ thập niên 60 của thế kỷ trước, cả thế giới xôn xao trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học và nhiều học giả có uy tín trên thế giới và của Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược, trái với luật pháp quốc tế của những kẻ bá quyền phương Bắc.
Mỗi người dân Việt Nam từ trẻ già, lớn nhỏ, đủ mọi tầng lớp đã sục sôi phẫn nộ trước hành động khiêu khích đầy tham vọng và mạo hiểm này của bọn người muốn bá chủ biển Đông. Dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, hữu nghị, nhưng là hòa bình trong danh dự, hữu nghị trong tôn trọng chủ quyền của nhau, nên bằng mọi giá sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của mình. Chúng ta có bằng chứng không thể chối cãi của lịch sử, có chính nghĩa và được cả thế giới ủng hộ, chúng ta sẽ thắng.
Chính phủ đã lên tiếng, mọi tầng lớp nhân dân đã lên tiếng. Mỗi tổ chức chính trị, xã hội, mỗi lứa tuổi có cách thể hiện lòng yêu nước, yêu hòa bình và quyết tâm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc theo cách riêng của mình. 

Tôi đã nghe, đã đọc, đã xem nhiều tác phẩm nghệ thuật của các văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh thể hiện ý chí kiên cường bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta, một dân tộc đã từng đi qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước thắng lợi, cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo lần này cũng không ngoại lệ.
Trong số báo Phú Thọ cuối tuần ra ngày 7/6/2014 có một bài thơ giản dị nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc, một xúc động khó quên, đó là bài thơ “Buổi chào cờ đặc biệt” của tác giả Xuân Thu.
Trong Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì, nơi nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, chúng tổn thương về thể xác, thiểu năng trí tuệ, các em có cách giao tiếp, biểu đạt tình cảm bằng một thứ “ngôn ngữ” rất riêng:
Các em ở đây đang tuổi ăn, tuổi lớn
Chí chóe tận khuya, u ơ từ sáng sớm
Nói với nhau chỉ bằng mắt, bằng tay
Vậy mà khi nghe biển Đông, vùng đặc quyền kinh tế của ta bị xâm phạm thì ngay cả những em bé thiệt thòi ấy cũng biết thể hiện lòng yêu nước bằng cách:
Đặt tay vào tim làm ký hiệu Việt Nam
Được sinh ra (cho dù bị tật nguyền) trong một chế độ vì con người, đầy tính nhân văn, các em được nuôi dưỡng, dạy dỗ thật chu đáo. Tật nguyền ở đâu chứ nhân cách, tình yêu Quê hương, Đất nước và lòng căm thù cái ác thì không!
Những đứa trẻ (các cháu tôi cũng vậy) nhất là những đứa trẻ tật nguyền, chúng chỉ thích xem hoạt hình, quảng cáo chứ đâu thích xem tin tức, vậy mà trong các chương trình thời sự gần đây, chúng lại:
Trầm tư hơn và hay xem hơn về biển
Cái “Trầm tư” từ những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, lại từ những em bé thiệt thòi kia sao mà cảm động đến thế, đáng yêu đến thế.
Xuân Thu là một người đôn hậu, nhạy cảm và vui vẻ nhưng sâu sắc nội tâm, trước cảnh các em bé tật nguyền:
Mặc áo đỏ sao vàng, trên tay những cờ hoa
Gương mặt ngời lên, má vẽ cờ Tổ quốc
Trong một buổi chào cờ đặc biệt, anh đã “nghèn nghẹn”. Cái “nghèn nghẹn” của một người đàn ông từng trải, nó như lò gang đang nóng chảy sẵn sàng trào ra bất cứ lúc nào trong gang tấc, mà không trào ra được. Cái “nghèn nghẹn” này thật đáng trân trọng, nó đáng giá hơn bất cứ cơn mưa nước mắt nào:
Sớm 19 tháng 5 các em đã làm tôi nghèn nghẹn
 hát bao lần bài “Tiến quân ca”, đã nghe cả ngàn lần (không chỉ bằng tiếng Việt) hành khúc: “Đoàn quân Việt Nam đi…” vậy mà chưa lần nào có thể kìm nén được xúc động. Đã có bao nhiêu cách thể hiện giai điệu hào hùng này, vậy mà những đứa trẻ tội nghiệp ấy lại:
Hát Quốc ca bằng tay, bằng cả nhịp tim trong ngực
Quả thật, với tôi cách biểu hiện bằng thứ “ngôn ngữ” không âm thanh của các em nhỏ đáng thương này có sức truyền cảm mãnh liệt hơn bất cứ biểu hiện nào của mọi nghệ sỹ, thử hỏi làm sao mà không “nghèn nghẹn”. Chỉ chừng ấy thôi, chả cần nói gì thêm, viết gì thêm về lòng yêu nước của mỗi người dân Việt. Một dân tộc như thế sẽ chẳng thể bị bất cứ kẻ thù nào khuất phục.
Buổi chào cờ hôm đó thật đặc biệt, nó đúng vào 19/5 ngày sinh Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc, lại đúng lúc biển Đông đang dậy sóng trước những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của những kẻ muốn thôn tính biển Đông, đã tạo nên những cảm xúc thật khác thường.
Mỗi lần giai điệu “Tiến quân ca” vang lên, như nghe thấy rầm rập tiếng bước chân của đoàn quân ra trận, nhưng ở đây, nơi các em bé tật nguyền chào cờ, để tay bên ngực trái, xếp hàng “Đất nước hình tia chớp” và “hát Quốc ca bằng tay” thì không khí trang nghiêm, hào hùng lại đến từ sự im lặng thật thiêng liêng, không chỉ nghe thấy tiếng bước chân của đoàn quân quả cảm, tiếng sông núi, cỏ cây đang hừng hực lên đường mà còn nghe âm vang cả lời Bác dạy: “… Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”
Sân trường lặng im mà rầm rập tiếng non sông
Sự “lặng im” của những phản ứng hóa học mới đáng sợ làm sao!
Một học giả phương Tây đã nói đại ý: “Bác Hồ đã trải thảm đỏ cho hai đế quốc to rời khỏi Việt Nam trong danh dự, nếu giờ này Bác còn sống chắc Bác sẽ lại biết cách trải thảm đỏ cho những tên xâm lược mới. Cả dân tộc đang làm tiếp những việc Bác chưa làm xong và chắc chắn giành thắng lợi, Bác ơi! Bác vẫn sống trong từng mỗi trái tim người Việt để đưa đường chỉ lối chúng con và vì “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”
Cảm ơn đất nước này, chế độ này đã mang lại bao điều tốt đẹp cho tất thẩy mọi người, cả những em bé tật nguyền đáng thương mà cũng rất đáng yêu kia, để khi đất nước có biến cố, có ngoại xâm sẽ không ai ngoảnh mặt:
Không khiếm khuyết, tất cả ngẩng cao đầu, phía trước
Đội ngũ chỉnh tề đang cùng Tiến quân ca
Và cũng cảm ơn Xuân Thu đã tìm ra một khoảng lặng đầy nhân ái giữa cuộc đời, nơi mà chỗ này, chỗ khác còn có những sắc màu đen đỏ, những âm thanh lạc điệu chói tai. Đâu phải ồn ào, lớn tiếng, đâu cần trống mõ inh oam, hãy im lặng… đặt tay lên ngực trái như những em bé tật nguyền kia mỗi khi đứng trước cờ đỏ sao vàng sẽ nghe thấy tình yêu, nỗi khát khao và cả nữa lòng căm giận nói gì!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét