Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

RẰNG HAY THÌ THẬT LÀ HAY, NHƯNG…

RẰNG HAY THÌ THẬT LÀ HAY, NHƯNG
Lời bình truyện ngắn "Mái tóc đẫm sương" của Đỗ Xuân Thu (VNQĐ số 791)
16/08/2014

                                                        TRẦN HOÀNG THIÊN PHÚC

Không gian nghệ thuật Mái tóc đẫm sương là một quán thịt chó, nhưng truyện ngắn này không một mảy may vẩn lên trong người đọc cảm giác về cái ô trọc, cái ê hề bát nháo, cái phàm tục, ngược lại, gần như tất cả đều toát lên cái tinh sạch, thánh thiện, cái thảo thơm, nhân ái. Một cốt truyện được xây dựng giàu kịch tính, hấp dẫn, nhưng hơi đáng tiếc là người đọc gặp trong đó một sự việc, chi tiết ít sức thuyết phục.
Một quán thịt chó ven đô đang thời kì thịnh, quá tải vì đông khách. Phần vì ông chủ khôn khéo luôn xem khách hàng là thượng đế, lúc nào cũng tíu tít đón mời, bắt chuyện. Phần vì quán có món chả chó ngon  ít nơi sánh bằng. Và phần vì, đặc biệt là, quán có cô gái giúp việc rất đặc biệt.
Cô gái này tên Nga, sinh viên đại học năm hai. Trường cô ở trong thành phố. Cô muốn tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ đi làm để kiếm thêm tiền đóng học. Dưới quê, nhà cô cũng có quán thịt chó, nên cô đã quen việc thạo nghề chế biến món chả. Cô lành hiền. Xinh xắn, trắng trẻo. Dáng vẻ thanh mảnh. Đôi má bầu bĩnh. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng thơ ngây thánh thiện. Cái cổ trắng ngần. Bầu vú căng mẩy. Nga tháo vát, chăm chỉ, vui tươi, nên từ ngày cô đến, bộ mặt và không khí quán thay đổi trông thấy. Quán trở nên sạch sẽ tinh tươm. Mặt bàn bóng loáng, mặt ghế không một vết bụi. Nước hàng bao giờ cũng sôi sùng sục. Bát đũa, chén, muôi luôn được đặt trong một cái cóng đựng nước sôi, cái nào cái đó trắng tinh, cầm lên bốc hơi, nóng hôi hổi. “Hai tay Nga thoăn thoắt xoay trở từng xiên chả. Đây là công đoạn đẹp nhất hút hồn các thực khách. Cả mắt, mũi, tai đều được thưởng thức không khí nướng chả chó. Than hồng, chả xám, mỡ xèo xèo, khói nghi ngút, hương ngào ngạt thơm điếc mũi, và khuôn mặt cô gái cũng đỏ lựng thế kia bảo sao mà không khoái, không mê được cơ chứ?”. Nga ăn mặc giản dị, tuy thế, cái đẹp của cô vẫn cứ rờ rỡ, nồng nã hiện ra, nhất là lúc cô nướng chả. Cả một không gian quán xá ngào ngạt mùi chả chó, riềng mẻ, mắm tôm quấn quyện cùng mùi hương con gái.

Ông chủ, lão Bảy, từng là bộ đội dọc dài đất nước, sang cả Campuchia, mải mê chiến dịch từ thời chiến đến thời bình, gần bốn mươi tuổi mới được xuất ngũ. Người yêu thủy chung kiên gan chờ đợi đằng đẵng bấy nhiêu năm trời, bao nhiêu người hỏi chị vẫn nhất mực chờ đợi Bảy. Oái oăm thay, họ không may mắn về đường con cái. Bảy nuốt đắng cay nguyện gắn bó, bù đắp cho người con gái hi sinh cả nửa đời người để chờ anh, vì anh. Họ đã tính xin con nuôi mấy bận, song lại thôi. Thế là căn nhà ven đô của họ vẫn chỉ có hai người. Khi thành phố đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, vợ chồng Bảy mở quán thịt chó. Khách khứa vào ra tấp nập, nguồn thu ổn định, có chiều phát đạt nên cũng đã an ủi họ phần nào. Họ cứ thế, thật thà, lam lũ, chất phác và đáng yêu bán buôn.
Lão Bảy đang ở tuổi năm mươi, cơ thể vẫn săn chắc, tràn trề sinh lực. Lão không là đá. Trước một cô gái thanh tân, rờ rỡ, nồng nã như Nga, lão không thể không mất thăng bằng bởi hấp lực âm dương. Nhưng sau cuối, lí trí, lương tri lão đã chiến thắng một cách kiêu hãnh xúc cảm, bản năng. Với lão, con bé lành hiền tốt nết, đẹp xinh trẻ trung thế kia, nếu lão có con thì nó chỉ như con, như cháu mình thôi, không thể nào… Lão từng nổi giận lôi đình khi đám thực khách có ý chọc giỡn lão và xí xớn với Nga.
Sự việc, chi tiết không thuyết phục nơi Mái tóc đẫm sương mà người viết bài này muốn nói là bà chủ có ý định vun vén cho chồng mình với Nga; bà đã viện cớ về nhà mẹ đẻ qua đêm, mong chờ một trận “cháy” giữa “lửa” và “rơm” xảy ra. Đành rằng vì bà rất thương chồng, luôn đau đáu nghĩ vì mình không sinh được con mà chồng phải thiệt thòi; đành rằng vì từ lâu bà đã có ý tìm kiếm, tác hợp cho chồng với một ai đó khác; đành rằng vì bà đã gặp Nga, một cô gái không chê vào đâu được; và đành rằng vì bà đã từng bắt gặp ánh mắt chồng ngắm trộm Nga. Nhưng, sao bà chỉ biết nghĩ cho chồng mình mà không biết nghĩ cho Nga, một cô sinh viên đại học lành hiền tốt nết, đẹp xinh trẻ trung thế kia, thơ ngây thánh thiện thế kia, đáng tuổi con tuổi cháu mình thế kia? Bà tận tâm với chồng nhưng vô tình đã nhẫn tâm với Nga…
Mặc dù câu chuyện kết thúc rất có hậu (bố Nga, một thực khách tình cờ của quán lại một thời là đồng đội, cấp dưới của thủ trưởng Bảy - ông chủ quán, và đồng đội, cha con đã bất ngờ có một cuộc tương ngộ thật ấm nồng; ý tưởng khó chấp nhận, không khả thi của bà chủ đã tiêu tan; sau cuối, được bố con Nga đồng ý, ông bà chủ đã mãn nguyện có được Nga là con nuôi), nhưng tôi, nghĩ tới nghĩ lui, vẫn không chấp nhận được cái “ý tưởng” không bình thường của bà chủ nói trên. Trách nhân vật hay trách tác giả đây? Nhân vật bà chủ được tác giả chủ ý xây dựng là người nhân ái cơ mà. Với lại, nhân vật chỉ là sản phẩm sáng tạo của nhà văn mà thôi. Nhưng, phải là một con người rất nhân hậu, thương mến cuộc đời này lắm thì tác giả truyện ngắn mới có thể kiến dệt nên những câu chữ lay động, rưng rưng đến như vậy. Giá như tác giả xử lí khéo hơn, hợp lí, thuyết phục hơn mối quan hệ giữa logic nghệ thuật và logic đời sống.
Mái tóc đẫm sương, rằng hay thì thật là hay, nhưng… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét