Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

CƯỜI RA NƯỚC MẮT KHI ĐỌC TRUYỆN NGẮN "INTERNET VỀ LÀNG"



CƯỜI RA NƯỚC MẮT
          THANH KHÊ
Vấn đề đặt ra trong truyện ngắn này không mới. Đó là, những giá trị truyền thống tốt đẹp bị băng hoại mau chóng và tác động hai mặt của công nghệ kỹ thuật tới con người trong đời sống xã hội hiện đại. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn do cơ chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập sâu rộng vào toàn cầu mang lại.
Truyện ngắn Internet về làng của Đỗ Xuân Thu là một “lát cắt” cuộc sống ở nông thôn Việt Nam hiện nay, chứa đựng những bi hài cười ra nước mắt mà thế hệ già hay trẻ cũng có thể vướng mắc vào. Cái lưới vô hình của nền kinh tế thị trường sẽ trùm chụp lên tất thảy mọi người, kể cả mặt tốt và xấu của nó, cũng như dòng chảy hội nhập đang được số hóa sẽ cuốn tất cả mọi cá thể trên hành tinh này theo nó. Ranh giới giữa cái tốt và cái xấu thật mong manh và không phải lúc nào con người ta cũng có thể nhận biết được. Xã hội đang bị cuốn theo sức hút của đồng tiền, bị mê dụ bởi những phương tiện công nghệ hiện đại, bị ngập đắm triền miên trong những thế giới trái chiều vừa thực dụng vừa ảo giác với sự cô đơn có chiều hướng ngày càng tăng.
Câu chuyện về hai nhân vật chính trong tác phẩm này - lão Quých và Thủy - là một phần đời sống của xã hội đương thời. Họ thuộc hai lớp người khác nhau, hai thế hệ cách xa nhau, một già một trẻ. Lão Quých tuổi đã lục tuần. Thủy là nữ sinh đang độ tuổi teen. Cả hai ở chung trong một gia đình có thể gọi là khá giả tại cái làng Cổ Cò đang ngấp nghé lên thị trấn với mối quan hệ là ông ngoại và cháu gái.

Khoan hãy đi sâu vào mối quan hệ đầy những bất ngờ và oái oăm giữa lão Quých và cô bé Thủy mà trước tiên ta thử xem cái gọi là cơ chế kinh tế thị trường đã tác động lên vùng quê này ra sao. Làng Cổ Cò đã không còn như xưa, ruộng đất người ta cho mượn cho thuê hết để tập trung vào làm ngành nghề dịch vụ. Nhờ dồn điền đổi thửa nên một số ít hộ còn tập trung vào cây lúa đời sống cũng đã được cải thiện đáng kể. Làng Cổ Cò bây giờ đã đổi thịt thay da, tưng bừng khởi sắc, nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, xe máy, có nhà đã có ôtô, nhiều nhà nối mạng internet. Xét về kinh tế, đó là bước tiến vượt bậc mà cách đây không lâu người nông dân chân lấm tay bùn có nằm mơ cũng chả thấy. Văn minh vật chất đạt được những bước tiến bộ rất dài nhưng đời sống văn hóa đang ẩn chứa nhiều hiểm họa. Cái bề ngoài nhìn thấy được là sự xô bồ, hối hả, gấp gáp của cuộc sống: Mặt trời còn tít trên cao mà đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy loạn xạ. Loa đài inh oang. Xe cộ chạy vù vù. Thanh niên tụ tập hò hát inh ỏi trong các quán bia hơi, karaoke, game online. Mấy đứa con gái còn váy ngắn, áo hai dây... Cái ẩn vào bên trong là những giá trị truyền thống tốt đẹp có từ bao đời nay đang bị xem nhẹ, mai một và biến thái theo chiều hư hoại. Chuyện giỗ mẹ (vợ lão Quých) cũng được hai cô con gái lão quán triệt rằng giỗ năm lẻ thì bố và anh thứ tổ chức, giỗ năm tròn thì cả nhà sẽ sum vầy đông đủ khiến lão Quých ức quá phải chửi lên Mả cha chúng nó chứ, giỗ mẹ mà chúng cũng quy ra năm tròn, năm chẵn. Đấy là gì nếu không phải là biểu hiện của sự giải thiêng? Mọi cái, mọi chuyện đều được quy ra tiền, quy ra lãi...
Xã hội coi đồng tiền trên hết là xã hội của những rập rình bất ổn, của những mầm ổ tội ác và phổ biến nhất là hội chứng cô đơn. Con người cảm thấy cô đơn, rất cô đơn trong xã hội đông đúc đồng loại, cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Được sự tiếp sức của các phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại, con người trốn sự đơn côi bằng cách chui vào thế giới ảo, thế giới không kiểm soát được. Họ chìm đắm trong thế giới không thực đó, tìm sự chia sẻ ở đấy mà không biết những bi kịch đang chờ đón mình phía trước. Đấy là bi kịch của thời kỹ trị, khi một bộ phận chưa đủ sức đề kháng với những tác dụng phụ nhưng rất nguy hại của nó.
Đã tới lúc ta nói đến mối quan hệ của lão Quých và Thủy. Một ông, một cháu; một già, một trẻ đều đam mê internet. Ông là hiepsilangthang. Cháu là meoconcodon. Trên mạng nào ai biết được “Hiệp sĩ lang thang” như thế nào và “Mèo con cô đơn” ra làm sao. Họ chát chít và rồi yêu nhau trong thế giới ảo mung lung vô định ấy. Từ thế giới ảo họ bước ra thế giới thật, hẹn hò nhau và lão Quých đã nghĩ tới cái nhà nghỉ Thiên Thai trên phố huyện. Vì yêu mà lão phải sống khác mình, nghĩa là phải nói dối, phải cố làm trẻ lại bằng cách học hỏi để hiểu và diễn đạt với người mình yêu bằng ngôn ngữ tuổi teen. Rõ tội. Lão đã tìm đến nơi hò hẹn để cuối cùng chẳng thấy meoconcodon đâu mà lại gặp cháu ngoại của mình là Thủy. Đến lúc đó, người đọc cũng không đoán định được người yêu của lão là ai, phải đến ngày giỗ vợ lão thì mọi chuyện mới được hé mở. Bi kịch thay, hài hước thay, meoconcodon không ai khác lại chính là cháu gái của lão – một dạng cô đơn khác có trong xã hội ta hiện nay. Lão choáng váng. Đôi mắt của vợ lão trong di ảnh chính là cái nhìn nghiêm khắc trách cứ của truyền thống. May mà, lão đã sớm phát hiện ra “người yêu” của mình là ai nếu không thì còn hứng phải cái bi kịch thảm hại hơn nữa.
Cốt truyện của Internet về làng không có gì đặc biệt nhưng truyện ngắn này hấp dẫn bởi nghệ thuật tả chân khá nhuần nhuyễn và cách dẫn dắt câu chuyện, bố trí tình huống vừa hợp lý, vừa bất ngờ của tác giả. Nếu không am hiểu internet, blog, facebook... thì Đỗ Xuân Thu đã không thể kể được câu chuyện chát chít của các nhân vật sinh động đến vậy. Diễn tả tâm lý hành vi của nhân vật cũng là một thế mạnh của tác giả truyện ngắn này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét