Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

NHỚ CÁNH DẠI XƯA



 
        Nông thôn bây giờ có rất nhiều nhà xây, mái ngói, mái bằng. Có cả những ngôi biệt thự rất sang trọng nằm ẩn hiện trong những khuôn viên cây xanh, những khu vườn đẹp như tranh vẽ. Nhà các kiểu, cao thấp khác nhau, đủ mọi hình dáng đua nhau mọc lên chẳng kém gì phố xá. Thế nên, có một vật mà khi nhắc đến chỉ còn là tiềm thức của người già và đồ cổ của lớp trẻ, vật ấy có nhiều thanh thiếu niên không hình dung nổi nếu không được đọc báo, xem phim, đó chính là cái cánh dại trước hiên nhà.
          Ngày trước, nhà ở quê thường chỉ là cấp bốn, đa phần là mái rạ. Nhà nào khá giả lắm thì lợp ngói âm dương hoặc ngói sông cầu. “Nhà ngói cây mít” là hình ảnh biểu trưng cho sự khá giả của những gia đình trung lưu, giàu có. Dù mái ngói hay mái rạ thì trước hiên nhà người ta đều dựng lên những tấm khung tre, đan nan qua những cái “bua”, có cả một khoảng chắn song để lấy ánh sáng vào nhà. Thường thì mỗi gian nhà dựng một tấm khung lớn như thế để che chắn mưa nắng. Đó là những cánh dại. Như vậy là để chắn nắng che mưa cho ngôi nhà ta ở, trên là mái ngói, mái rạ, xung quanh là tường gạch hoặc tường đất, trước cửa là những cánh dại. Chẳng biết có phải vì thế không mà các cụ gọi những khuôn tre đó là cánh dại. Dại chứ không phải là khôn. Dại vì giơ mình ra trước cửa để hứng nắng, chịu mưa. Dại vì cứ phơi mình ra ngoài hiên mà đón gió, hứng bão. 

          Để làm cánh dại, bố tôi thường chọn những cây tre già, cưa thành từng đoạn làm cột. Cột dại cao đúng bằng chiều cao từ nền nhà lên đến cái xà hiên, ngay gần chỗ thấp nhất của mái. Mỗi gian nhà đóng một cánh dại. Mỗi cánh dại thường có ba khuông dọc (bốn cột), ba tầng ngang. Đầu cột phía trên cắt chéo hình chữ V làm thành cái “ngoàm” để luồn vào “cầu mái” giữ cho cánh dại được chắc chắn. Ba tầng “duổi” được sắp xếp khác nhau, so le giữa các khuông. Tầng giữa, khuông giữa thường để chắn song. Song cao hay thấp, nằm dọc hay ngang là tùy sở thích gia chủ. Chính cái ô cửa sổ con con này là chỗ để lấy ánh sáng, lấy ngọn gió làm cho trong nhà vừa thoáng lại vừa mát. Nan dại được làm bằng những đoạn tre gốc, chẻ nghiêng, đan qua các tầng “bua”, rất chắc chắn. Lúc nhà có công có việc, đông người thì khiêng cái cánh dại đó ra dựng quanh sân. Khi đó, nhà mở toang hết phía trước, sân bao kín xung quanh chỉ cần căng cái bạt lên trên nối đỉnh những cánh dại với mái nhà thế là thành cái rạp tha hồ cho giỗ chạp, cưới hỏi và những công việc lớn khác của gia đình.
Tuổi thơ tôi còn in dấu mãi những cánh dại trước hiên nhà. Mẹ tôi, bà tôi ngồi chải tóc, bao nhiêu tóc rụng tôi vo lại thành từng nắm cài lên nan cánh dại dành để đổi kẹo kéo hoặc cuộn với lá na nhúng rượu để đánh gió. Bây giờ, nhiều khi tìm tí tóc rối, tổ tò vò để đánh cảm thường rất khó. Cánh dại không còn thì đâu còn chỗ để cất tóc rối, còn đâu lấy chỗ cho tò vò làm tổ nữa chứ? Cánh dại còn giữ cả cái kỷ niệm buồn của tuổi thơ tôi. Ấy là khi lũ trẻ tôi ham chơi, đùa nghịch quậy phá, bố tôi nhiều lúc nổi nóng quát tháo, không kìm được cơn giận dữ ông rút cả cái nan dại quật cho tôi một trận ra trò. Cánh dại cũng là nơi ông tôi, bố tôi cài sẵn cái roi tre ở đó để răn đe chúng tôi những trò nghịch dại trẻ con. Mỗi khi mưa bão sấm chớp, đang chơi đùa ngoài ngõ, tôi ba chân bốn cẳng chạy về. Vọt qua cửa, vào trong nhà, đứng sau cánh dại nhìn ra ngoài trời mưa gió lòng tôi đầy thích thú. Cánh dại là chốn bình yên, là nơi ẩn náu tuổi thơ tôi. Qua năm tháng, cánh dại bạc phếch màu thời gian che chở cho gia đình tôi yên ấm.
Bây giờ nhà cao cửa rộng, cánh dại không còn nữa. Tre làng cũng thưa dần. Cứ mỗi lần mưa to, gió lớn, nước mưa hắt vào ướt hết cả hè tôi lại nhớ cái cánh dại xưa hơn bao giờ hết. Chẳng lẽ lại dựng cái cánh dại trước hiên những ngôi nhà mái bằng, mái Thái, hai, ba tầng này ư? Hết dại rồi sao tôi vẫn chả khôn được tí nào, vẫn cứ hoài cổ mãi là sao? Biết là cuộc sống sẽ không ngừng phát triển mà sao tôi vẫn thương nhớ những cánh dại xưa quá chừng. Đâu rồi những cánh dại tuổi thơ tôi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét