Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

RƯỚC VOI VỀ LỄ HỘI

          Chuẩn bị đến hội Đền Hùng, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, xã tôi gấp rút thành lập đoàn văn nghệ thể thao. Năm nay, hội mở to lắm. Khắp nơi trong huyện, cả tháng nay, xã nào xã ấy, làng nào làng ấy đều tưng bừng, rộn rã. Người ta đua nhau tập các tiết mục văn nghệ để tham gia hội diễn, luyện các môn thể thao để đi thi đấu. Chỗ nào cũng tum tum tiếng trống, tềnh tềnh tiếng xoan. Các cụ say sưa với các trò diễn xướng dân gian, sắp đặt đội hình tế lễ. Thanh niên đắm mình trong hát xoan hát ghẹo, trong bắn nỏ, bóng chuyền… Đình làng đêm đêm rộn rã. Sân bãi ngày ngày tưng bừng. Vui lắm. Háo hức lắm. Tôi vinh dự được ở trong đoàn văn thể này. Cả Mai nữa, cô bạn gái vừa là “trung tâm đoàn kết” vừa là chỗ “mất đoàn kết”, chỗ hậm hực của cả ba thằng con trai chúng tôi.
          Tôi, Hảo, Hoàng, ba thằng ở ba làng khác nhau trong xã. Chúng tôi cùng học một lớp và cùng hết 12 rồi cùng thi trượt đại học để cùng ở nhà “lập nghiệp xây dựng quê hương”. Có thể nói chúng tôi rất đồng cảm với nhau về những cái cùng này. Con chấy cắn ba đủ thấy sự đồng lòng của bộ tam chúng tôi như thế nào. Duy chỉ có một cái cùng đó là cùng yêu Mai thì chẳng đứa nào nói ra song hầu như đứa nào cũng ngấm ngầm hục hặc với nhau.
          Mai, cô gái đẹp từ cái tên trở đi, người làng Trung, học sau chúng tôi hai lớp đã làm bao chàng trai trong xã yêu vụng nhớ thầm. Thuở chăn trâu cắt cỏ chẳng nói làm gì, chẳng ai để ý đến song em càng lớn càng xinh, đẹp đến hút hồn mới chết chứ. Khi ba thằng tôi học hết phổ thông, ra trường rồi mới sực tỉnh, sững sờ khi Mai bước vào lớp 12 với dáng thiếu nữ hồn nhiên ngây thơ ngơ ngác đến ngỡ ngàng của em. Thế là cả ba chúng tôi lao vào tán tỉnh em làm cho em rối như gà mắc tóc, không học được nữa. Tôi trầm tính ít nói, nhút nhát đã đành, hai thằng kia thì không tối nào chúng nó không có mặt ở nhà Mai. Đến nỗi ông bố Mai bực quá phát cáu lên, có lần đuổi hai thằng ra khỏi cổng mà chúng vẫn không chừa. Tất nhiên, Mai cự tuyệt, trốn tránh chúng tôi để lo việc học. Cũng may, em cũng học xong phổ thông như chúng tôi rồi cùng chúng tôi “về quê lo chuyện cấy cày”.

          Xã tổ chức đoàn văn thể tham gia giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng đúng điều mà chúng tôi mong đợi bấy nay. Được tham gia đoàn này là một vinh dự lớn. Vừa có dịp thể hiện tài năng lại vừa được đi hội. Thì tuổi trẻ ai chẳng thích đình đám, hội hè. Hội Đền Hùng lại là lễ hội lớn nhất cả nước, khắp nơi còn kéo về nữa là. Từ ngày hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới thì hội lại càng được tổ chức to hơn, hoành tráng hơn. Vinh dự lắm. Tự hào lắm. Toàn trai thanh, gái lịch mới được chọn vào các đoàn văn nghệ thể thao tham gia lễ hội này đấy.
Hồi còn học cấp ba, chúng tôi thường được dự các buổi dạ hội tập thể hội diễn, hội thao, cắm trại. Thời ấy vô tư lắm. Thằng Hoàng có giọng nam cao nên không buổi văn nghệ nào của trường lại vắng mặt nó. Nó thường hãnh diện song ca với em Mai, bí thư chi đoàn lớp 11. Tôi và thằng Hảo ghét nó nhất ở cái mục này. Ghét song vẫn phải chịu vì bí thư chi đoàn hai lớp giao lưu với nhau cơ mà? Thằng Hảo cao lêu nghêu, là cây đập bóng chuyền xuất sắc, là chân sút cừ khôi của bóng đá lớp tôi. Hắn mà vào trận thì khỏi chê. Nhìn hắn “tả đột hữu xung” tôi phát thèm. Nhiều hôm, đứng xem đội bóng thi đấu, hứng chí lên Mai hò hét cổ vũ cho nó một cách thái quá làm tôi cũng bực mình. Thằng Hoàng nhân lúc đó len đến bên Mai cũng hò reo cổ vũ to lắm. Tôi biết tỏng bụng nó, hô cho Hảo thì ít mà mon men đến bên Mai thì nhiều. Ranh lỏi đến thế là cùng.
 Trong ba thằng, tôi là kẻ bất tài nhất, hát hò đàn sáo không, thơ ca hò vè không, thể thao lại càng không nữa. Tôi chỉ biết mỗi nghề thợ mộc, cái nghề gia truyền của ông tôi, bố tôi. Trong việc đục đẽo, lắp ghép, thiết kế các mô hình tôi khá khéo tay. Chả thế mà, hồi đi học, tôi thường được điểm cao tuyệt đối môn thủ công. Gì chứ đan lát, đóng đồ tôi chỉ có nhất. Thế nhưng mấy ai quan tâm đến điều này. Vậy nên, giữa đám đông tôi vẫn thường khép nép giấu mình. Thì có ai lại khoe cái nghề đục đẽo của mình ra cơ chứ? Quê lắm. Yêu Mai đấy song tôi cũng chỉ dám đứng từ xa ngắm em. Tôi đành tự an ủi mình rằng “yêu nhau đứng ở đằng xa, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”. Thế nhưng, tôi liếc mãi, liếc hoài không biết Mai có hiểu gì cho tôi không? Nhiều lúc buồn lắm, bâng lâng lắm song cũng đành chịu.
          Được tham gia đội văn nghệ thể thao lần này, tôi có cơ hội gần em. Chẳng biết thế nào mà ông cán bộ văn hóa xã đã bố trí tôi luôn vào việc làm trại văn hóa, chế tác voi và giữ chân quản tượng. Có lẽ điều này phải nhờ ơn bố tôi. Thì bố tôi chẳng đã là thơ mộc chuyên lo việc làm ra các “ông” voi giả cho làng mỗi khi mùa lễ hội đến đấy là gì. Người ta thấy tôi cũng khéo tay, hay làm như bố tôi. Thế nên bố trí tôi vào việc ấy, giữ chân ấy là quá đúng. Cũng phát hiện nhân tài đấy chứ chả bỡn. Tôi thấy mình có giá và tự hào vô cùng. Thằng Hảo thì đương nhiên rồi, được biên chế vào đội bóng chuyền. Thằng Hoàng thì cũng rõ, giữ chân hát hò trong đội văn nghệ. Thế là ba chúng tôi lại cùng nhau trong một nhiệm vụ mới, lại cùng nhau đi bên Mai.
 Lại nói về lễ hội rước voi của xã tôi. Hàng năm cứ đến mùng mười tháng giêng là làng tôi lại mở hội. Tương truyền rằng ngày xửa ngày xưa, tướng quân thời Hùng Vương đi dẹp giặc, khi thắng lợi trở về qua làng tôi đã dừng chân cắm trại, mở hội khao quân mừng chiến thắng. Người cùng voi nhảy múa tưng bừng. Lễ hội mang đậm tinh thần thượng võ. Sau đó thành lệ, lễ hội rước voi được làng tôi tổ chức mỗi năm một lần. Đến hội Đền Hùng, làng tôi có nhiệm vụ trình diễn lại lễ hội rước voi này trước anh linh các Vua Hùng và du khách thập phương về trẩy hội.
Ngày trước voi trong lễ hội là voi thật. Còn ngày nay, chỉ là voi giả, voi tượng trưng. Người ta làm bộ xương voi là cái khung sắt hoặc khung tre được uốn rất khéo rồi may một tấm bạt sơn đen choàng lên. Trong cái khung đó có hai người giả làm bốn chân voi để nâng đỡ, di chuyển. Cặp ngà trắng muốt cùng cái vòi thằng lẵng lủng lẳng phía trước trông rất ngộ nghĩnh. Khi voi di chuyển hai người trong bụng voi phải có những động tác thật ăn khớp. Tuy không khó như múa lân, múa rồng nhưng đòi hỏi đi đứng cũng phải nhịp nhàng, múa may cũng phải thuần thục. Phải làm cho cái vòi ông voi vung bên nọ vẩy bên kia y như thật. Chỉ một cặp voi như thế mà náo động tưng bừng cả lễ hội. Đám rước bu xung quanh ông voi reo hò ầm ĩ, rồng rắn khắp làng rồi cuối cùng quay về đình làm lễ.  
Do đứng trong bụng voi, xung quanh kín mít không trông thấy gì nên hai người “chân voi” phải có một “quản tượng” phía ngoài dẫn đường. Kẻ ở trong múa may mò mẫm như “bịt mắt bắt dê”. Người ngoài lôi kéo, chỉ huy voi gào rát cổ bỏng họng. Có lúc “chân trước” “chân sau” ông voi không ăn nhịp, quản tượng bên ngoài chạy bã bượi, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng. Xung quanh tiếng trống thúc, tiếng hò reo càng làm cho cặp voi phởn chí múa may. Ngoài việc làm trại, hát hò, đánh bóng chuyền, ba chúng tôi còn phải đảm đương nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phụ trách một ông voi. Hảo chui vào bụng ông voi làm “cặp chân trước”. Tôi đứng ngoài ngay cạnh nó, túm lấy mảng “da voi” vừa lấy tay giật giật vừa hô hét để điều khiển Hảo. Thằng Hoàng đứng làm cặp chân sau ông voi, cứ theo thằng Hảo mà tiến tiến lui lui, sang trái rẽ phải. Vất vả lắm nhưng hễ nghỉ giải lao, chúng nó vừa chui ra khỏi bụng ông voi, mồ hôi mồ kê đang nhễ nhại vậy mà nhìn thấy Mai là đứa nào đứa ấy lại tỉnh như sáo, toe toét cười ngay được. Em cũng lúng liếng: “Ba anh chuyến này tha hồ lên voi nhé!”. Chúng tôi thằng nào cũng nghĩ là Mai liếc mình, nói với mình. Thằng nào cũng lâng lâng lâng lâng. Tập gần tuần lễ thì trong hai ông voi, sáu người diễn thì ông voi của ba chúng tôi đã “thuần thục”. Tôi vênh vênh tự đắc: “Nhờ có quản tượng giỏi mới được đấy nhé!”. Mai cười ý nhị nhìn tôi.
Đúng mùng sáu tháng ba, đoàn văn nghệ thể thao chúng tôi lên đường. Đến chân núi Hùng, việc đầu tiên của tôi là chỉ đạo dựng trại. Sau đó là làm khung ông voi. Trong lúc thằng Hảo thi đấu bóng chuyền, thằng Hoàng và Mai thi tài văn nghệ thì tôi phải lúi húi cùng mấy người dựng và trang trí trại, làm ông voi. Điều này khiến tôi buồn lắm song bắt tay vào việc, cảm hứng nghệ thuật đã cuốn hút tôi, làm tôi quên ngay nỗi ẩn ức vì không được cùng Mai sánh đôi ra sân khấu. Mất một ngày cho việc này, sau đó tôi tha hồ đi xem hội. Choáng ngợp trước cảnh sắc lễ hội, tôi len chân giữa rừng người, ngợp trong tiếng đài loa, mê mải ngắm dãy trại văn hóa của các huyện. Rồi tôi len vào khu văn nghệ xem Mai biểu diễn. Ngày thường em đã xinh rồi, giờ trang điểm hóa trang quần áo xoan ghẹo vào trông em càng xinh hơn. Tôi ngây người nhìn em cứ ngỡ như cô Tấm bước ra từ huyền thoại.
Xong thi đấu các môn thể thao, kết thúc văn nghệ, đến ngày trình diễn các trò dân gian. Chương trình này hấp dẫn du khách nhất. Nó phong phú, mới lạ. Nào “tứ dân chi nghiệp”, nào “đâm đuống”, “đánh phết”, nào “đi cà kheo”, bắt chim gâu, rồi rước voi, múa lân, ném còn nữa chứ… Nhiều, nhiều trò lắm. Hầu như các lễ hội dân gian trong tỉnh đều được đưa về đây để trích đoạn tái hiện. Thế nên tha hồ cho du khách thưởng thức. Chỉ cần đi hội Đền Hùng là được xem hết các lễ hội địa phương Phú Thọ qua các trò dân gian này. Người ta xúm đen xúm đỏ, bám theo đội hình trình diễn. Ai cũng cố len vào gần hơn để nhìn cho rõ. Máy quay phim, chụp ảnh chớp lia lịa. Điện thoại di động, Ipad cũng mang ra tác nghiệp.
Chính lúc này tôi mới được dịp thể hiện. Trong bộ đồ lính trận ngày xưa, quản tượng tôi tha hồ điều khiển ông voi. Chỉ tội cho thằng Hoàng và thằng Hảo. To còi thế, đẹp mã thế mà giờ phải rúc vào bụng ông voi theo sự chỉ đạo của tôi. Có ai nhìn được chúng nó được đâu. Mai đi bên tôi. Má em ửng hồng, đôi mắt ngời lên hạnh phúc. Tôi hứng chí điều khiển ông voi chạy nhảy, múa may đủ trò. Kệ cho thằng Hảo ở trong mấy lần lục bục nói ra nhắc tôi chầm chậm thôi. Kệ chúng mày. Hôm nay là ngày của tao. Tao phải diễn cho hết mức. Mấy khi cho chúng mày ra bã. Tôi vui vui về cái ý nghĩ ngồ ngộ ấy. Đoàn chúng tôi rồng rắn cùng các đoàn khác nối đuôi nhau diễu quanh núi Hùng. Trống, kèn kêu inh ỏi. Cờ phướn rợp trời tung bay.
Tổng kết lễ hội, đoàn chúng tôi giành liền mấy giải nhất. Trại văn hóa đẹp nhất. Múa rước voi hay nhất. Công đầu hai mục này là của tôi. Dĩ nhiên rồi. Văn nghệ hát xoan cũng nhất. Duy chỉ có bóng chuyền chỉ được giải khuyến khích. Thằng Hảo buồn lắm nhưng mình nó làm sao thay đổi được tình thế. Khuyến khích là vui rồi. Toàn đoàn vẫn nhất cơ mà!
Lễ trao giải trang trọng lắm. Tôi thay mặt đoàn nhận giải về trại và rước voi. Mai lên nhận giải về văn nghệ. Ông đoàn trưởng nhận cờ xuất sắc cho đoàn. Hai đứa chúng tôi nhận bằng khen và bao nhiêu là hoa. Máy ảnh chớp lia lịa. Chúng tôi bên nhau cười rạng rỡ trong tiếng vỗ tay rầm rập không ngớt. Cả đoàn tôi reo hò mừng chiến thắng.
Lúc trên sân khấu bước xuống, mấy đứa bạn tôi ở các đoàn khác vây quanh tôi và Mai. Chúc mừng anh chị nha. Đẹp đôi quá. Có người chìa máy ảnh ra cho tôi xem hình hai đứa. Mai đỏ mặt bẽn lẽn nhìn hình trong máy và nhìn tôi. Tôi khẽ nói vào tai Mai: “Hội sang năm, anh sẽ làm một ngôi nhà trại thật đẹp chỉ dành cho em thôi. Anh sẽ đưa ông voi đến để rước em về trại nhé”. Không ngờ lúc ấy tôi lại dẻo mỏ bạo dạn đến thế. Thằng Hảo và thằng Hoàng ở tít mãi đằng xa cố nghển cổ lên nhìn tôi và Mai. Hình như chúng nó đang ghen tị. Mặc! Duyên trời rồi, Vua Hùng ban phúc, ban duyên cho tôi rồi! Hàng vạn người chen nhau trẩy hội. Núi Nghĩa Lĩnh lung linh trong làn hơi sương huyền ảo.

Bất chợt, tôi nhìn thấy ông voi của tôi đang đứng trước cổng trại rung rinh cái vòi xem ra cũng khoái chí lắm. Làn gió xuân thổi tới khiến tôi càng lâng lâng. Người tôi mụ đi trong ngập tràn hạnh phúc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét