Thì đây, bên dòng thác đang ầm ầm trút nước kia, chúng tôi ngồi trên
những tảng đá to và nhẵn dưới tán cây sung cổ thụ, trên tay là tập thơ thứ sáu
vừa mới ra lò của anh. Chả là cách đây mấy hôm, trong lúc tôi đang chìm trong
giấc ngủ muộn khi mà cơn mưa ngoài trời đang quất te tua những bụi chuối bên
nhà thì bỗng choàng tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại. Vừa mắt nhắm mắt mở,
tôi vừa cằn nhằn không biết thằng cha nào lại điện thoại vào giờ này. Phía bên
kia đầu dây là tiếng Xuân Thu thì thầm khe khẽ như sợ ai nghe thấy nhưng vẫn
không dấu được nỗi vui mừng, bởi nghe…run lắm. Tiếng được tiếng mất, tôi cứ ậm
ừ cho qua chuyện rồi gác máy và kéo chăn trùm đầu ngủ tiếp. Đến trưa hôm sau
tôi mới chợt nhớ tới cú điện thoại này. Tức thì gọi lại cho anh và mới vỡ lẽ.
Thì ra anh gọi điện khoe tập thơ “Bờ tre cuốc gọi” đã in xong và anh đã gửi cho
chúng tôi, tức là 5 thằng trong cái nhóm “ngũ quỷ” mà có dịp tôi sẽ giới thiệu
đầy đủ từng tên một. Và cái điều quan trọng là trong tập thơ này có bài Hoa nhã
my mà anh viết trong một lần anh đã đến thác Phú Cường vào dịp hè năm ngoái. Vì
thế anh điện nhờ tôi báo tin cho 4 tên kia và phải kéo chúng tới ngọn thác đó
cùng với tập thơ chụp cho anh một kiểu hình làm kỷ niệm. Ôi giời bác Xuân Thu
ơi, có thế thôi mà nửa đêm về sáng bác phải đánh thức em dậy, có gì thì để sớm
mai sáng sủa đàng hoàng báo tin cho nó dõng dạc chững chạc có hơn không, sao
lại phải nhẹ nhàng khẽ khàng nửa đêm cứ như là đi buôn bạc giả thế bác. Ấy
không được chú ạ, không thể kìm hãm được nên cứ phải “sướng” ngay cho nó…sướng!
Xuân Thu là thế. Cứ có cái gì mới, cái gì hay là ngay lập tức điện thoại hoặc
nhắn tin báo liền. Nửa đêm cũng điện, sáng sớm tinh mơ đã nhắn tin. Chăm vào
blog thế hèn gì cái tên Xuân Thu hay Chõe bò vào trang nào cũng thấy.
Con đường để Đỗ Xuân Thu đến với văn chương không hề dễ dàng. Nhưng hình
như chính nhờ những cái không dễ đó mà để bây giờ anh đã tìm thấy bến đỗ của
mình. Những con chữ đã neo đậu anh, níu kéo anh, thậm chí ràng buộc anh để ngấm
vào anh trong từng trang viết. Có thể nhận thấy rõ ở trong đó là hơi thở của
từng viên đất, của dòng nước ngọt từ con sông Lô quê anh chở nặng phù sa cho
cây lúa thêm xanh, cho đàn cò tung cánh…rồi điệu hát xoan, hát ghẹo miền trung
du nơi anh sinh sống cũng đã lẫn vào trong thơ anh để nặng thêm tình thương yêu
ruột thịt. Cái chất trữ tình của dân ca vùng trung du Bắc bộ cùng với sự ưu tư
của chàng thi sĩ đa tình nặng lòng với thời cuộc đã làm nên một Xuân Thu như
thế. Tuy còn chút gì đấy của vài con chữ chưa được sáng và đẹp, còn mang nặng
tính “gia trưởng” của thể thơ vần điệu, tức là chưa vượt qua được cái ‘phá
cách” như nhiều thể loại thơ hiện nay, nhưng ý tứ và tình yêu của Xuân Thu gửi
vào trong đó thì vẫn luênh loang tựa vầng trăng mười sáu bên ngọn thác Phú
Cường ngày nào, nơi anh đã gửi hồn ở đó cho một tình yêu nhã my bất tận.
Gia Lai
mùa mưa 2012
Nguyễn Minh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét