Ngoài sân, tiếng bước chân ông chạy
thình thịch. Thằng Quân, cháu nội ông, học lớp 6 vừa dụi mắt ngái ngủ vừa chạy
bám theo sau. “Một - hai; một - hai” tiếng ông Điều hô chỉ huy đứa cháu. Trong
nhà, bà Liên cùng con trai, con dâu cũng lục tục dậy. Đèn điện bật sáng. Hàng
xóm thấy lạ tưởng nhà bà Liên có chuyện gì cũng dậy theo bật đèn làm cho cả xóm
sáng trưng. Họ nhìn sang thấy ông Điều quần đùi áo lót cùng đứa cháu đang chạy
tập thể dục. Người nọ kháo người kia coi đó là một sự kiện của xóm.
Đại tá Điều nghỉ hưu sau ba mươi năm
mặc áo lính. Về quê, ông ngỡ ngàng hoà nhập cuộc sống mới. Không thể nào quên
được nề nếp trong quân đội, ông Điều vẫn giờ nào việc ấy như một cái máy. Chết
cái, nhà ông lại gần đơn vị quân đội. Tiếng kèn, tiếng kẻng những hiệu lệnh đặc
biệt ấy vọng đến như vẫn nhắc nhở ông, thôi thúc ông trở lại với cương vị cũ.
Mấy hôm mới về việc làm đầu tiên của ông với vợ con là thiết lập chế độ giờ
giấc. Ăn, ngủ, đi lại đều được ông “mã hoá” điều hành. Cả nhà ông vừa bực vừa
buồn cười. Ai lại sương gió rét buốt như thế thế mà ông lại đi hết phòng nọ,
giường kia khua mọi người dậy tập thể dục. Công việc đồng áng quần quật suốt
ngày cần gì thể dục với chả thể thao. Bà Liên cằn nhằn vậy nhưng ông quyết
không nghe. Vợ chồng thằng cả bụm miệng cười sau lưng. Chỉ thằng Quân là chấp
hành ông y lệnh.
Cánh cựu chiến binh của xóm đặt luôn tên
hiệu cho ông bằng cách thêm chữ lệnh theo sau: ông “Điều lệnh”. Ông Điều nghe
thấy thế chỉ cười. Kể cũng đúng, vì trước đây ông công tác khá lâu ở Phòng tác
chiến Quân khu, chuyên phụ trách điều lệnh nội vụ. Máu quân kỷ quân phong đã
ngấm vào người ông.
Sáng nay, đúng bảy giờ kém mười lăm phút,
tiếng kẻng đơn vị lại gióng lên. Đang ngồi xem vô tuyến, ông bật dậy vớ vội
quần áo, tìm đôi giày đóng bộ nghiêm chỉnh. Bà Liên thấy vậy hỏi: “Ông chuẩn bị
đi đâu à?”. Ông Điều đứng trước gương nghe tiếng vợ hỏi vậy ngượng ngùng. Ông
lúng túng trả lời: “Không. Tôi có đi đâu đâu?”. “Sao ông ăn mặc nghiêm chỉnh
thế?”. Bà Liên hỏi lại. Ông Điều chữa thẹn: “Thì cho nó ấm mà bà”.
Thời gian sau, trong xóm có thêm mấy ông
bộ đội nữa cũng về hưu như ông. Không hẹn mà gặp, họ có thêm đồng đội. Sau mấy
chục năm xa nhau, bạn trẻ trâu với nhau bây giờ mới gặp lại ai nấy đều vui mừng
khôn xiết. Cả xóm rộn rã hẳn lên nhất là những buổi sáng. Tổ đi bộ dưỡng sinh
chẳng ai thành lập mà thành. Ông cháu ông Điều tự nhiên trở thành “lãnh đạo”
của tổ này. Không phân biệt cấp bậc, chức vụ, tất cả bằng nhau theo nhịp hô “một
hai” của thằng Quân đều bước. Lúc đầu, chỉ có hai ông cháu, ông Điều hô huấn
luyện nó. Sau này “quân số” đông dần lên, ông bảo thằng Quân hô thay. Nó thấy
hay hay, oai oai cũng hô dõng dạc không kém gì ông nó. Không chỉ mấy vị lính
già với nhau, tổ đi bộ xóm còn kéo theo mấy bà sồn sồn đang chuẩn bị phát phì
nữa cùng tập. Cứ bảo xóm quê không ai đi bộ ư? Không đúng. Thời buổi kinh tế
phát triển, ăn nhiều chất bổ, người béo phì lên, không rèn luyện bệnh tiểu
đường ập đến có mà khốn.
Trưởng thôn Tân mở mày mở mặt. Tự nhiên
có được số cán bộ quân đội đầy bản lĩnh, kinh nghiệm về làng. Sướng nhất là
đúng lúc xã phát động phong trào “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ
vĩ đại” xây dựng đời sống văn hoá. Thôn này dở phố dở quê chẳng biết thể thao
thể dục là gì giờ bỗng nhiên lại có tổ đi bộ buổi sáng đóng góp cho phong trào.
Hôm xã tổ chức đại hội thể dục thể thao, các thôn khác có đội bóng đá bóng
chuyền, thôn Tân điều ngay tổ đi bộ của ông cháu ông Điều tham dự. Mấy vị tướng
tá quần cộc áo may ô, giày ba ta trắng toát. Mấy bà sồn sồn cũng thế. Bắp chân,
bắp tay họ cuồn cuộn. Những cái bụng phệ phô ra trước đám đông. Thằng Quân rủ
thêm gần chục đứa trẻ lồng nhồng nữa cùng tham dự. Sau bài thể dục tay không,
đến võ gậy, rồi họ đi bộ vòng quanh sân nhà văn hoá thôn theo tiếng còi, nhịp
hô “một hai” của thằng Quân khiến mọi người tròn mắt thán phục. Thôn Tân giải
nhất toàn đoàn được nêu gương cho cả xã học tập. Bà Liên hôm ấy cũng nở mày nở
mặt.
Nhờ có ông Điều và số cán bộ quân đội
nghỉ hưu mà nền nếp sinh hoạt chi bộ, họp thôn khác hẳn. Trước kia, muốn họp
thôn có khi phải mất cả buổi chiều vì người nọ chờ người kia. Giờ đây, cứ gõ
kẻng là người ta đến đông đủ theo ông “Điều lệnh”. Công việc thôn bàn đâu ra
đấy. Ngay cả chuyện ăn mặc khi đi họp cũng thế, hiếm còn người quần đùi áo cộc,
mất trật tự trong khi họp nữa. Bí thư xã mấy lần mời ông “Điều lệnh” tham gia
ban chấp hành cựu chiến binh xã nhưng ông Điều một mực từ chối. “Tớ tuổi cao
rồi để lớp trẻ họ làm. Có việc gì trong thôn tớ tham gia là được rồi. Các cậu
ưu tiên cho tớ nghỉ hưu chứ”. Mấy ông lãnh đạo xã đành ậm ừ nhưng vẫn chưa chịu
để ông Điều lệnh này “nghỉ hưu”.
Cuối cùng họ vẫn vận động được ông Điều
tham gia vào Ban quản lý xây dựng trường học. Vốn xây dựng trường này do trên
cấp và đặc biệt hơn là có sự ủng hộ giúp đỡ của Sư đoàn bộ đội đóng quân trên
địa bàn xã. Nói đến bộ đội giúp dân là ông nhận việc ngay. Hơn nữa lại xây
trường cho thằng Quân, cháu ông bảo sao mà ông từ chối được?
Tưởng đơn giản chỉ có việc giám sát công
trình nào ngờ bắt tay vào việc nó mới phức tạp vô cùng. Bên A, bên B, “B phảy
một”, “B phảy hai” cứ linh tinh cả lên. Tuy chẳng có vị gì quan trọng trong ban
nhưng ông phải thay mặt dân giám sát thi công công trình. Không có chữ ký của
ông vào các biên bản nghiệm thu từng phần là không xong. B tranh thủ tỉ tê ông.
Chủ tịch xã đại diện A cũng tỉ tê ông. Họ thấy ông rắn quá cũng nản. Bọn chúng
thậm thụt với nhau muốn gạt ông ra để dễ bề làm ăn. Thấy vậy, ông mang luôn cả
chăn màn, quần áo ra lán trại ở để bám sát công trình. “Sự nghiệp đi bộ” của
thôn ông đành giao lại cho thằng Quân. Được cái, mấy ông mấy bà thành viên tự
giác phục tùng thằng bé lắm. Nhiều đêm, nó ra ngủ với ông. Sáng ra, đúng giờ nó
lại tung chăn về gọi mọi người đi bộ. Ông Điều thấy cháu mình vậy chỉ cười.
Đêm qua, gió mùa đông bắc tràn về. Cái
lán ông ở tuềnh toàng gió tha hồ luồn vào. Rét cắt da cắt thịt. Ông cùng cậu
bảo vệ trăn trở mãi trên mấy tấm gỗ kê cập kênh làm giường. Cậu bảo vệ trẻ đặt
mình là ngáy. Rõ khổ. Thế là ông lại trở thành người bảo vệ thay cho cậu ta.
Sắt thép, xi măng, gỗ ván cốt pha ngổn ngang thế kia ngủ thế nào được. Của A
hay của B? Của nào thì của vẫn là mồ hôi nước mắt của những người thợ, người
dân. Nghĩ thế, ông chẳng thể nào nhắm mắt. Bà Liên và vợ chồng thằng cả thấy
ông cặm cụi vất vả thế mấy lần ra gọi ông về, ông dứt khoát không nghe. Người
lính bỏ vị trí chiến đấu thế nào được? Dân làng vì thế càng tin yêu ông hơn. Tổ
đi bộ sáng sáng đi qua vẫn í ới gọi ông nhắc ông tập thể dục.
Khoảng gần sáng, ông vừa chợp mắt được
một lát thì nghe tiếng chân người rình rịch phía sau ngôi trường xây dở. Ông
khẽ lay cậu bảo vệ. Hai thầy trò rón rén tiến về phía tiếng động. Hai bóng đen
đang lủi vào bãi sắt. Chúng ngó trước nhìn sau rồi đột ngột lao tới nhấc mấy
cây sắt phi 16 bỏ hớ hênh phía ngoài mà chiều qua cánh thợ chưa kịp cất. Ông hô
to: “Ai? Đứng lại!”. Hai bóng đen vội vứt cây sắt xuống và bỏ chạy. Cậu bảo vệ
lao theo. Ông cũng chạy tắt đón đầu tên trộm. Bằng một thế võ hiểm, ông đã quật
ngã nó. Tên còn lại chạy về phía cậu bảo vệ thoát thân. Lúc này, cánh thợ gần
đó nghe tiếng kêu thức dậy hỗ trợ. Mọi người ồn ào. Tên trộm nhớn nhác. “Đánh
bỏ mẹ nó đi cho chừa cái thói ăn cắp”. “Hoan hô đại tá Điều”. “Hoan hô ông
“Điều lệnh”. “Phen này cho nó rũ tù”.
Ông Điều khoá trái tay tên trộm dẫn về
lán trại. Cậu bảo vệ cầm gậy theo sau. Mọi người xúm quanh bàn tán. Chợt có
tiếng gọi “ông ơi” ngoài lán. Thằng Quân lách đám đông đến bên ông Điều. Nó
chẳng chú ý đến tên trộm ngước lên hỏi ông nó: “Ông ơi! Thế một bên phải hay là
bên trái ông nhỉ?”Mọi người ngơ ngác. Ông Điều cũng thoáng ngỡ ngàng: “ Thế
nghĩa là thế nào hả cháu?”. “Cháu hỏi ông là một vung tay sang trái hay sang
phải ông nhỉ?”. Thằng Quân níu áo ông nhắc lại. Ông Điều cười to: “Ra thế! Lại
quên rồi à? Một vung sang phải. Nhớ chưa? Một luôn phải đi với phải. Chỉ có một
mới phải. Hiểu không?”
Mọi người ngơ ngác. Cả tên trộm cũng
chẳng hiểu gì cả. Toàn “phải” với “một”. Ông Điều dứt tiếng cười giải thích:
“Khổ. Cháu tôi nó hỏi tập “mốt hai mốt” ấy mà. Lớp 6 rồi mà còn chưa thuộc đi đều
bước là gì”. Thằng Quân phụng phịu: “Không phải cháu không biết. Tại mấy đứa
bạn cháu mới đi bộ sáng nay cứ cãi với cháu, cháu hỏi ông lại cho chắc chắn
thôi”. “Ra thế! Thế mấy ông bà bạn của ông có còn đi bộ với cháu không?”. “Có.
Các ông bà ấy đang đi ở dưới đường kia kìa”.
Nói đoạn, thằng Quân chạy vù đi. Lúc đó,
ông Điều mới chợt nhớ ra là đang giờ thể dục buổi sáng. Ông nhắc mọi người:
“Thôi, mọi người về tập thể dục đi. Cứ để tên trộm này cho tôi và cậu Huấn”.
Huấn là tên cậu bảo vệ. “Đúng là ông Điều lệnh”. Tiếng ai đó thì thầm.
Mấy tháng sau, ngôi trường hai tầng khang
trang được hoàn thành. A, B cười gượng gạo với ông Điều. Tay Cử béo, cai B nói
với ông: “Con lạy bố. Công trình này con húp cháo cũng không xong”. “Mặc xác
anh. Miễn là xã nhờ, dân nhờ là được rồi”. Ông vặc lại. Không ngờ nó tủm tỉm:
“Chẳng biết xã có được nhờ hay không, ông hỏi chủ tịch của ông thì biết”. Nói
rồi nó liếc xéo sang chủ tịch xã đang đứng chỉ trỏ phía cuối hội trường.
Hôm khánh thành trường, giữa ngày khai
giảng, thầy trò thằng Quân vui như ngày hội. Lũ trẻ nhìn ngôi trường cao sừng
sững mà như mơ. Quan khách kéo đến đông nườm nượp. Có cả các vị chỉ huy Sư đoàn
bộ đội, đơn vị kết nghĩa và tài trợ chính cho ngôi trường này. Mọi người tay
bắt mặt mừng. Chủ, thợ, phụ huynh học sinh, cán bộ các ngành, đoàn thể nói cười
rổn rảng.
Sắp đến giờ khai mạc, chợt ai đó hỏi:
“Ông Điều đâu nhỉ?”. “Xã có mời ông đó dự không đấy?”. “Chẳng mời ông ấy thì
mời ai nữa”. Bí thư xã nói. Mấy vị bộ đội cũng ngơ ngác: “Quái, thủ trưởng Điều
sao giờ vẫn chưa đến nhỉ?”. “Mọi ngày ông ấy giờ giấc lắm cơ mà?”. Cậu Huấn sốt
ruột. “A, hỏi thằng Quân, cháu ông ấy thì rõ”. Trưởng thôn Tân đề xuất. “Phải
đấy”.
Quân được tìm đến gặp ban tổ chức. Nó hồn
nhiên: “ Ông cháu còn đi bộ”. Mọi người cười ồ. Quân nhắc lại rắn rỏi: “Cháu
nói thật đấy. Ông cháu bảo phải đi bộ bù lại mấy tháng ông cháu trông coi ngoài
này. Cháu quên mất không báo cáo lại với các ông”.
Vừa lúc đó, ông Điều quân phục chỉnh tề,
huân huy chương lấp lánh trước ngực tiến về khán đài. Tất cả đổ xô con mắt về
phía ông. Ông giơ tay chào theo kiểu nhà binh: “Xin lỗi các vị tôi đến muộn ít
phút. Xin tự kiểm điểm và sửa chữa ngay bây giờ”.
Đúng là ông “Điều lệnh”. Mọi người cùng
cười vui. Tiếng trống khai giảng năm học mới, khai trường mới tùng tùng vang
lên. Sau các thủ tục nghi lễ là màn duyệt nghi thức của học sinh. Trên khán
đài, ông Điều rạo rực khi nhìn thấy thằng Quân, cháu ông, đang hô dõng dạc chỉ
huy chi đội lớp nó dẫn đầu đoàn quân. “Mốt hai mốt”, những bước chân đều tăm
tắp rầm rập tiến qua lễ đài, trước mặt ông khiến người ông sởn gai ốc như có
kiến bò. Thế chứ. Một bên phải, hai bên trái. Cứ thế mà tiến cháu nhé. Ông Điều
khẽ mỉm cười vẫy tay chào đoàn quân. Mái tóc điểm bạc của ông bay bay trong gió
thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét